7 điều cần biết về hiện tượng nhiễm Covid-19 đột phá

Hiện tượng nhiễm Covid-19 đột phá là khái niệm để chỉ một người mắc bệnh Covid-19 dù đã được tiêm chủng đầy đủ 14 ngày trước đó, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Vắc xin cung cấp sự bảo vệ tốt nhất cho bản thân và cộng đồng. Trong ảnh: Một điểm tiêm vắc xin Covid-19 quy mô lớn tại Hà Nội /// ĐẬU TIẾN ĐẠT

Sau đây là 7 điều cần biết về hiện tượng này, theo trang web AARP (chuyên về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi) tổng hợp ý kiến của các chuyên gia.

1. Hiện tượng “đột phá” không phải là bất thường. Hiện nay, không có vắc xin nào hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa bệnh tật. “Nếu những trường hợp “đột phá” xảy ra, không có nghĩa là vắc xin không hiệu quả”, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ, khẳng định trong một cuộc họp báo gần đây.

Ông Anthony Fauci nhấn mạnh vắc xin giúp ngăn ngừa diễn tiến bệnh nghiêm trọng. Theo dữ liệu mới nhất của CDC Mỹ, chỉ khoảng 0,004% những người được tiêm chủng đầy đủ phải nhập viện hoặc tử vong vì Covid-19.

Chuyên gia Mỹ cảnh báo: chần chừ tiêm chủng sẽ dẫn đến những biến thể Covid-19 nguy hiểm hơn

2. Biến thể Delta là một phần nguyên nhân. Biến thể Delta tiếp tục lây lan khiến hiện tượng “đột phá” có khả năng xuất hiện nhiều hơn. Bác sĩ David Dowdy, Phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế công cộng Johns Hopkins (Mỹ), cho biết: “Khi tương tác gần gũi ở nơi có nhiều người nhiễm Covid-19, mọi người có khả năng tiếp xúc với vi rút thường xuyên hơn, khi đó sẽ có nhiều ca lây nhiễm đột phá hơn”.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ một cuộc điều tra do CDC Mỹ công bố cho thấy những người được tiêm chủng bị nhiễm biến thể Delta vẫn có thể lây lan vi rút cho người khác, ngay cả khi bản thân không có triệu chứng.

3. Trạng thái “bình thường mới” làm tăng thêm rủi ro. Khi mọi người được chủng ngừa và tiếp tục quay trở lại với các hoạt động trước đại dịch, nguy cơ tiếp xúc với vi rút sẽ cao hơn do các biện pháp phòng ngừa bị nới lỏng.

4. Mối quan hệ giữa hiện tượng đột phá và Covid-19 kéo dài là không rõ ràng. “Covid-19 kéo dài” (tức biến chứng sức khỏe kéo dài hậu Covid-19) đã trở thành tình trạng phổ biến ở các bệnh nhân hiện nay. Các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu một trường hợp nhiễm đột phá có thể dẫn đến “Covid-19 kéo dài” hay không.

5. Người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn. Dữ liệu của CDC Mỹ cho thấy gần 3/4 (74%) số người phải nhập viện hoặc tử vong do Covid-19 sau khi được tiêm chủng đầy đủ là người từ 65 tuổi trở lên.

6. Cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Giáo sư về bệnh truyền nhiễm Christopher Ohl, công tác tại Trường Y khoa Wake Forest (Mỹ), nói: “Nếu bạn đã được tiêm phòng đầy đủ và cảm thấy ốm, việc đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân là cực kỳ quan trọng”. Nếu nguyên nhân là do Covid-19, cần phải cách ly và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây nhiễm cho người khác.

Tiêm ngừa vắc xin Covid-19 có được ngủ chung với trẻ nhỏ | BÁC SĨ ƠI số 5

7. Vắc xin cung cấp sự bảo vệ tốt nhất. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là tiêm phòng. Khi nhiều người đã tiêm vắc xin, sẽ có ít trường hợp lây nhiễm đột phá hơn.

Giáo sư Christopher Ohl nhấn mạnh: “Phần lớn trường hợp lây nhiễm đột phá đến từ việc một người đã được tiêm chủng tiếp xúc với một người chưa được tiêm chủng mắc Covid-19”.

Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/7-dieu-can-biet-ve-hien-tuong-nhiem-covid-19-dot-pha-1428818.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Facebook
Gọi em số 0934.166.552