Thông tin được chia sẻ trong buổi tư vấn trực tuyến “Khởi đầu hành trình với insulin và vui sống cùng bệnh đái tháo đường” phát sóng trực tiếp trên fanpage VnExpress vào cuối tháng 11, với sự đồng hành của Hội bác sĩ gia đình TP HCM và tài trợ bởi Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Đào – Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Tim Tâm Đức cho biết, phụ trách Nội tiết – Chuyển hóa – Dinh dưỡng – đã giải đáp các thắc mắc và các quan niệm chưa đúng về insulin và phương pháp điều trị bằng insulin, cách quản lý bệnh để bệnh nhân có thể vui sống với bệnh đái tháo đường tốt hơn.
Insulin giúp kiểm soát đường huyết tích cực
Về vấn đề điều trị insulin có phải là bệnh đái tháo đường đã đến giai đoạn cuối hay không, đây là một trong những mối lo ngại hàng đầu được các khán giả gửi nhiều câu hỏi. Bác sĩ Bích Đào cho biết, đối với người được chẩn đoán đái tháo đường típ 1, chắc chắn phải điều trị bằng insulin. Đối với đái tháo đường típ 2, người bệnh cũng sẽ được chỉ định điều trị với insulin khi đường huyết bệnh nhân quá cao hoặc khi điều trị bằng các thuốc viên hạ đường huyết mà đường huyết vẫn chưa kiểm soát đạt mục tiêu, hoặc trong một số tình huống đặc biệt thì insulin sẽ được chỉ định.
Bác sĩ Bích Đào chia sẻ thêm, giải pháp insulin là “chìa khóa” cho các trường hợp cần xử trí tích cực và phù hợp với tình trạng bệnh lý. Sau giai đoạn can thiệp bằng insulin, nếu tình trạng đường huyết được cải thiện tốt, các cơ quan, chức năng được phục hồi và không có chống chỉ định với thuốc viên thì hoàn toàn có thể điều trị với thuốc viên. Bệnh nhân không cần lo lắng khi được chỉ định insulin vì nó là giải pháp lựa chọn tối ưu cho các tình huống đó.
Thiết bị tiêm insulin tiên tiến
Tại buổi tư vấn trực tuyến, bác sĩ Bích Đào cũng giải tỏa những lo lắng của người bệnh khi lần đầu tiên sử dụng insulin. Khi kê đơn thuốc có insulin, bác sĩ và nhân viên y tế luôn luôn hướng dẫn cách sử dụng, những vị trí tiêm phù hợp, phương pháp tiêm đúng… Ngày nay, trong lĩnh vực tiêm insulin, có nhiềukỹ thuật tiên tiến để giúp việc tiêm đơn giản, dễ dàng, lấy liều thuốc chính xác. Đầu kim tiêm thế hệ mới có nhiều cải tiến giúp tiêm nhẹ nhàng, ít đau, vào đúng vị trí mô.
Các sản phẩm insulin nói chung trong đó có cả dạng bút tiêm cần được bảo quản đúng nhiệt độ ghi trên nhãn sản phẩm khi chưa sử dụng và khi mở ra để sử dụng. Bệnh nhân và người nhà cần đọc kỹ hướng dẫn cách bảo quản và sử dụng được nhà sản xuất ghi trong thông tin của thuốc.
Trong trường hợp người bệnh đi du lịch hoặc di chuyển xa thì nhiệt độ ngoài trời có thể cao hơn mức nhiệt độ thích hợp để bảo quản insulin, bệnh nhân nên để bút insulin trong các túi, thiết bị giữ nhiệt cùng một ít đá khô để đảm bảo nhiệt độ bảo quản theo yêu cầu. Tuy nhiên cần tránh để bút tiêm tiếp xúc trực tiếp với đá.
Sống khỏe cùng bệnh đái tháo đường
“Đối với người có đái tháo đường nếu cần phải tiêm insulin thì đây là sự cần thiết của việc điều trị giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả”, bác sĩ Bích Đào nói.
Điều trị đái tháo đường là một quá trình điều trị lâu dài, liên tục, cần sự phối hợp tốt giữa người bệnh, thân nhân của người bệnh với thầy thuốc, nhân viên y tế và nhất là sự tuân thủ hướng dẫn điều trị. Điều trị tốt ngay từ đầu có thể kiểm soát tốt đường huyết và các tình trạng bệnh lý khác, sẽ giúp ngăn ngừa, làm chậm sự xuất hiện các biến chứng, hoặc có thể bảo vệ các cơ quan đích.
Với sự tiến bộ trong điều trị hiện nay, hiệu quả điều trị ngày càng cao, có thể hỗ trợ bảo vệ tốt sức khỏe của người bị đái tháo đường. Các thiết bị y tế như bút insulin giúp việc tự sử dụng của người bệnh trở nên đơn giản, dễ thực hiện, chính xác.
Độc giả có thể xem thêm phần giải đáp thắc mắc của độc giả về việc điều trị đái tháo đường bằng insulin tại đây hoặc xem lại chương trình tư vấn trực tuyến trên fanpage Vnexpress.net.
Ngọc An
Nguồn: https://vnexpress.net/luu-y-khi-dieu-tri-dai-thao-duong-bang-insulin-4203450.html