Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sốt cao là triệu chứng chứ không phải bệnh. Sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể, tức là cứ khi nào có tác nhân gây bệnh thì cơ thể sốt để tiêu diệt virus. Phản ứng sốt không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà người lớn cũng thường mắc phải.
Theo bác sĩ Dũng, trẻ sốt 38,5 độ C được định nghĩa là sốt cao và lúc đó mới cho thuốc hạ sốt. Nếu trẻ sốt nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của cơ thể, không làm em bé quá mệt, bứt rứt, khó chịu, chán ăn thì không cần chữa mà để tự nhiên. Những đợt sốt nhẹ như vậy sẽ làm bệnh nhiễm trùng nhanh khỏi.
Bác sĩ Lê Hoàn, phó khoa Nội tiết Hô hấp, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội khẳng định thời tiết lạnh là yếu tố nguy cơ để virus phát triển, tấn công cơ thể, dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn ở người có sức đề kháng kém như người già, trẻ nhỏ. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp nhiễm trùng hô hấp thời điểm này chủ yếu do virus như virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C.
Cúm A có thể gây biến chứng ở những nhóm đặc biệt như trẻ dưới hai tuổi, người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản mạn, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, bệnh về gan, thận… Người suy giảm miễn dịch như HIV, ghép tạng phải uống thuốc chống thải ghép, bệnh khớp uống thuốc chống viêm… cũng trong nhóm nguy cơ.
“Do đó, nếu trẻ chỉ mắc virus thông thường, không nhất thiết phải dùng kháng sinh. Phụ huynh chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, giữ ấm, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Sau hai đến năm ngày, bệnh sẽ hồi phục”, bác sĩ cho biết.
Một số trường hợp khi sốt quá cao có thể làm trẻ khó chịu, quấy khóc nhiều hay khô mồm miệng, chán ăn, co giật nên làm cho gia đình lo lắng và tự ý sử dụng kháng sinh. Nhiều người cho trẻ uống hạ sốt khi chưa đến 38,5 độ C để đề phòng co giật. Điều này không có ý nghĩa vì trên thực tế cũng không có loại thuốc phòng được co giật do sốt cao.
“Nhiều phụ huynh lơ là các biểu hiện mà đưa trẻ đến viện chậm, cũng có người lo lắng quá mức, tự ý dùng thuốc rất nguy hiểm. Điều trị cho trẻ phải đúng mức, đúng bệnh mới đạt hiệu quả”, bác sĩ Dũng nói.
Theo bác sĩ, chăm sóc trẻ bị sốt hiện nay khác với trước. Trẻ sốt nhưng không quấy khóc, chán ăn, bứt rứt và chưa đến 38,5 độ C thì không dùng thuốc hạ sốt.
Khi trẻ bị sốt, phụ huynh cũng nên chườm ấm bằng khăn mềm hoặc lau người trẻ bằng khăm ấm không nên quá 10 phút/giờ và chỉ áp dụng nếu trẻ bị sốt cao nhưng không ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.
Việc bù nước đầy đủ cho trẻ cũng rất quan trọng. Gia đình cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước như nước hoa quả, nước súp, oresol.. Khi được cung cấp đủ nước, thông thường cứ cách 4 giờ trẻ đi tiểu một lần.
Chỉ nên cho trẻ dùng thuốc khi có chỉ định, không tự ý mua thuốc. Thuốc hạ sốt hiện có hai loại là pracetamol hoặc ibubrofen. Hai thuốc này hạ sốt tương đương nhau. Ở các nước châu Á người ta khuyến cáo dùng Pracetamol trước vì những ngày đầu rất khó biết trẻ sốt thông thường hay sốt xuất huyết, thậm chí xét nghiệm ngày đầu tiên cũng không hiện kết quả.
Với paracetamol, khoảng cách uống thuốc từ 4 đến 6 giờ, trong khi inbulfen là 6-8 giờ. Tuyệt đối không dùng xen kẽ hai loại thuốc.
Khi cho trẻ uống hạ sốt nên để trẻ mặc đồ thông thoáng, không đắp chăn, mở thoáng cửa. Khi ra ngoài, trẻ cần được giữ ấm cổ ngực, đeo tất để không bị lạnh.
Chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine hàng năm để phòng ngừa cúm. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Riêng trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đã cho uống thuốc nhưng không hạ sốt, ngi ngờ mất nước do nôn, tiêu chảy, mắt trũng, khóc không nước mắt cần đưa đến bệnh viện để thăm khám. Những trẻ đã đi khám nhưng tình trạng không cải thiện hoặc xuất hiện các triệu chứng mới cũng cần quay lại viện để kiểm tra, phòng ngừa các bệnh khác.
Thùy An
Nguồn: https://vnexpress.net/xu-tri-khi-tre-bi-sot-4210068.html