Sau một năm đại dịch Covid-19 khởi phát, vẫn còn đó nhiều câu hỏi bỏ ngỏ làm giới chuyên môn quốc tế đau đầu.
Kể từ khi Trung Quốc lần đầu tiên báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về các ca “viêm phổi bí ẩn” bùng phát dữ dội tại nước này vào ngày 31.12.2019, đến nay toàn thế giới đã có hơn 1,8 triệu người tử vong và hơn 84 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
1. SARS-CoV-2 bắt nguồn từ đâu?
Câu hỏi này đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi dữ dội. SARS-CoV-2 thật sự đã khởi phát từ đâu? Đến thời điểm hiện tại, giới chuyên môn chưa tìm được câu trả lời chính xác, trong khi WHO cho biết vẫn đang tiếp tục điều tra.
Trước đó, thông tin ban đầu được truyền thông quốc tế ghi nhận là SARS-CoV-2 có thể đã bắt nguồn từ chợ buôn bán hải sản Hoa Nam (thuộc TP.Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Tuy nhiên, phía Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận thông tin trên và cho biết “có nhiều bằng chứng cho thấy virus này bắt nguồn từ bên ngoài Trung Quốc”.
Một thuyết âm mưu được nhiều người lưu tâm là liệu SARS-CoV-2 có phải đã “thoát ra” từ một phòng thí nghiệm ở TP.Vũ Hán? Hiện chưa có bằng chứng thuyết phục nào để kết luận giả thuyết trên. Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng lên tiếng “cần phải đánh giá kỹ lưỡng” các bằng chứng trước khi đưa ra kết luận, theo Reuters.
2. Tại sao SARS-CoV-2 ảnh hưởng nghiêm trọng lên vài nhóm người?
Theo Đài CNN, các nhà khoa học kết luận rằng những người đã hồi phục sau khi nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có thể bị ảnh hưởng lâu dài, trong đó đáng chú ý là tình trạng tổn thương não và mệt mỏi mãn tính. Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn chưa biết được những “triệu chứng hậu Covid-19” này sẽ kéo dài bao lâu và tại sao một số người sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn những người khác.
Một báo cáo đăng trên chuyên san Annals of Internal Medicine hồi tháng trước đã chỉ ra trường hợp một cặp sinh đôi cùng mắc Covid-19 ở độ tuổi 60, nhưng diễn biến về tác động của virus lại không giống nhau. Một người đã được xuất viện, trong khi người kia có diễn biến nặng hơn và phải thở máy để duy trì sự sống.
Điều này khiến các nhà nghiên cứu cho rằng dường như có sự ngẫu nhiên về mức độ ảnh hưởng của SARS-CoV-2, đồng thời một số đối tượng có bệnh nền như tiểu đường hay thừa cân có nguy cơ bị biến chứng nguy hiểm hơn so với những người có sức khỏe tương đối tốt.
3. SARS-CoV-2 lây lan như thế nào?
Một năm trôi qua, cuộc tranh luận về cách thức lây lan chính của virus này vẫn chưa đến hồi kết.
Theo CNN, giới chuyên môn xác nhận SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu thông qua các giọt bắn trong không khí khi một cá nhân bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, và khẩu trang có thể ngăn chặn quá trình lây nhiễm.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng virus cũng có thể lan truyền thông qua các giọt bắn nhỏ li ti, lơ lửng trong không khí suốt hàng giờ và khẩu trang bằng vải sẽ khó bảo vệ con người trước virus. Hiện chưa có kết luận chính thức cho câu hỏi này và đây là một trong những vấn đề quan trọng đang được giới chuyên môn tập trung nghiên cứu, để sớm tìm ra phương pháp hiệu quả nhằm vô hiệu hóa SARS-CoV-2.
4. Khi nào đại dịch kết thúc?
Câu hỏi lớn nhất về đại dịch Covid-19: Bao giờ nó sẽ kết thúc? Nhiều người đang kỳ vọng vào vắc xin, ngay cả khi đó không phải là một giải pháp sớm có hiệu quả. Theo CNN, giới chuyên môn cho biết có thể sẽ mất nhiều năm để tiêm phòng cho phần lớn dân số thế giới, để tạo được nền tảng cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về hiệu quả thực tế của vắc xin, bởi cũng cần lưu ý đây là loại vắc xin được phát triển nhanh nhất trong lịch sử y học của nhân loại – chỉ vỏn vẹn gần 1 năm sau khi đại dịch được xác định.
Ngoài ra, tính đến nay, lịch sử chỉ ghi nhận bệnh đậu mùa là đại dịch duy nhất được loại bỏ bằng phương pháp tiêm vắc xin trên diện rộng, theo CNN.
Vậy liệu đại dịch Covid-19 có thể kết thúc sau khi thế giới có vắc xin, hay chúng ta sẽ tiếp tục “sống chung” với SARS-CoV-2 như nhiều loại virus gây bệnh khác?
Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/4-cau-hoi-con-bo-ngo-ve-covid-19-1324549.html