Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem các thông tin hữu ích: Nên ăn gì trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19?; Làm 7 điều này là bạn đang tự rước lấy bệnh tiểu đường…
“Anh Juan Dual, 36 tuổi, ở Tây Ban Nha, hay nói đùa rằng bên trong anh trống rỗng. Nhưng thực tế, câu nói này có thể đúng theo nghĩa đen. Anh Juan đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, ruột kết, trực tràng và túi mật”, hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem tiếp câu chuyện hy hữu này!
Nên ăn gì trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19?
Các loại vắc xin Covid-19 đều được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn bình thường trước khi phát hành, vì vậy những thông tin về ‘chế độ ăn uống đặc biệt’ để vắc xin phát huy hiệu quả là không có cơ sở. Tuy vậy, chúng ta cũng nên lưu ý về chế độ ăn uống trước và sau khi tiêm vắc xin để bồi bổ cơ thể mình tốt nhất.
Nên lưu ý về chế độ ăn uống trước và sau khi tiêm vắc xin để bồi bổ cơ thể mình tốt nhất Shutterstock |
Tránh uống rượu bia trước và sau khi tiêm vắc xin. Các nhà khoa học khuyên người dân không nên đụng tới đồ uống có cồn ít nhất là vài ngày trước và sau khi tiêm vắc xin. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tác dụng phụ của vắc xin có thể khiến chúng ta mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt và buồn nôn. Việc uống rượu, dù ít, cũng có thể gây ra tình trạng mất nước cho cơ thể, khiến các triệu chứng trên trở nặng hơn. Uống rượu còn khiến hệ thống miễn dịch suy yếu và gây rối loạn giấc ngủ.
Ăn món nào tốt cho giấc ngủ. Nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt. Hãy chú ý tới những món ăn tốt cho giấc ngủ, đặc biệt là vào bữa tối trước ngày tiêm.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Sleep Medicine cho thấy, việc ăn quá ít chất xơ (trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, hạt) và quá nhiều chất béo bão hòa hoặc đường (thịt mỡ, các sản phẩm từ sữa, đồ ngọt) khiến cơ thể kém phục hồi hơn và khó ngủ hơn. Ăn nhiều chất xơ giúp chúng ta ngủ sâu hơn, giấc ngủ cũng chất lượng hơn.
Trong nghiên cứu này, các tình nguyện viên cũng ngủ nhanh khi ăn những món tốt cho giấc ngủ, ví dụ như súp đậu lăng, salad trộn dầu ô liu, cá hồi, bông cải xanh xào, khoai tây nướng… Đối với đồ uống, không uống caffeine ít nhất 6 tiếng trước khi đi ngủ. Nội dung bài viết này sẽ tiếp tục trên trang sức khỏe ngày 29.7.
Bác sĩ trả lời 10 thắc mắc khi tiêm vắc xin Covid-19 và chuyện bị hành sau tiêm |
Làm 7 điều này là bạn đang tự rước lấy bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường nói chung không phát triển trong một sớm một chiều, mà chính những việc nhỏ bạn làm thường xuyên đã vô tình khiến bạn mắc bệnh này.
Sau đây, các bác sĩ điều trị bệnh tiểu đường chỉ ra 7 thói quen hằng ngày khiến bạn mắc bệnh này mà không hề hay biết.
Cần phải ăn uống lành mạnh và có ý thức Shutterstock |
Uống nhiều đồ uống có đường. Bác sĩ Thomas Horowitz, từ Trung tâm Y tế CHA Hollywood Presbyterian ở Los Angeles (Mỹ), cho biết một trong những thói quen không lành mạnh phổ biến là uống nước ngọt thay cho nước lọc mỗi khi khát nước. Hàm lượng đường trong nước ngọt thường rất cao, tiến sĩ Kathleen Wyne, bác sĩ nội tiết điều trị bệnh nhân tiểu đường tại Trung tâm Y tế Wexner Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho biết đối với nhiều người, ngừng uống nước ngọt có thể giúp giảm cân nhanh chóng đến 9 kg, béo phì là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường.
Ăn quá nhiều đường. Bác sĩ Horowitz nói, cách tốt nhất để tránh bệnh tiểu đường là thực hiện một chế độ ăn uống không ảnh hưởng đến việc cung cấp insulin của cơ thể. Nên chọn các loại thực phẩm giải phóng đường từ từ hoặc chứa ít đường, ví dụ: protein, ngũ cốc thô và rau quả thay vì ngũ cốc tinh chế hoặc đồ ngọt.
Lười vận động. Lối sống ít vận động là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường. Tiến sĩ Wyne cho biết, bất kỳ hoạt động nào cũng có thể cải thiện độ nhạy insulin và làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường. 4 thói quen hằng ngày vô tình khiến bạn mắc bệnh tiểu đường tiếp theo sẽ có trên trang sức khỏe ngày 29.7.
Cắt bỏ dạ dày, ruột kết, trực tràng, túi mật nhưng người đàn ông vẫn sống
Anh Juan Dual, 36 tuổi, ở Tây Ban Nha hay nói đùa rằng bên trong ông trống rỗng. Nhưng thực tế, câu nói này có thể đúng theo nghĩa đen. Anh Juan đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, ruột kết, trực tràng và túi mật.
Anh Juan Dual, 36 tuổi, ở Tây Ban Nha vẫn sống và chạy bộ dù phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, ruột kết, trực tràng và túi mật Ảnh minh họa: Shutterstock |
Dù mất nhiều phần ruột quan trọng nhưng anh Dual vẫn sống và có thể theo đuổi sở thích chạy bộ của mình. Mọi chuyện bắt đầu khi anh Dual 13 tuổi. Lúc đó, anh bị chẩn đoán mắc bệnh đa polyp gia đình. Đây là căn bệnh di truyền quái ác khiến người mắc có đến 99,8% nguy cơ mắc các loại ung thư liên quan đến hệ tiêu hóa.
Bà và cậu của anh Dual đã qua đời vì ung thư biểu mô tuyến xuất hiện ở ruột kết. Bố anh phải phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột để ngăn ngừa ung thư xuất hiện.
Khi đến tuổi 19, anh Dual phải trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ ruột kết (một phần của đại tràng) và trực tràng (đoạn ruột nối giữa đại tràng và hậu môn). Tuy nhiên, đây chỉ mới là khởi đầu. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm câu chuyện của anh Juan Dual
Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/ngay-moi-voi-tin-tuc-suc-khoe-truoc-sau-tiem-vac-xin-covid-19-nen-luu-y-gi-1421876.html