Nhắc tới đậu bắp, nhiều người có thể sẽ nghĩ ngay tới chất nhầy của nó. Mặc dù đậu bắp thường được chế biến giống như một loại rau nhưng thực ra nó là một loại trái cây có nguồn gốc từ châu Phi.
Vỏ, hạt, lá, hoa, nụ đậu bắp đều có thể ăn được. Dưới đây là một vài lợi ích và lưu ý khi ăn đậu bắp, theo trang Shape.
Thành phần dinh dưỡng
Đậu bắp chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin C, riboflavin, axit folic, canxi và kali. Nó cũng chứa nhiều chất chống ô xy hóa và chất xơ, giúp hỗ trợ tiêu hóa, điều chỉnh lượng đường huyết và có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Lợi ích sức khỏe của đậu bắp
Phòng ngừa bệnh tật. Đậu bắp chứa nhiều catechin – một chất chống ô xy hóa có trong trà xanh. Chất này vô hiệu hóa hoặc loại bỏ các gốc tự do có hại cho tế bào.
Hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh. Chất nhầy trong đậu bắp đặc biệt giàu chất xơ hòa tan. Loại chất xơ này hấp thụ nước trong đường tiêu hóa, tạo ra một chất giống như gel làm săn chắc phân và giúp hạn chế tiêu chảy. Bà Susan Greeley – chuyên gia dinh dưỡng và đào tạo đầu bếp tại Viện Giáo dục Ẩm thực ICE (Mỹ), cho biết hạt đậu bắp chứa chất xơ không hòa tan – chất giúp làm tăng khối lượng phân, thúc đẩy chuyển động của cơ ruột và giảm chứng táo bón.
Điều chỉnh đường huyết. Chất xơ hòa tan trong đậu bắp làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate, do đó ngăn đường huyết tăng vọt và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Đậu bắp cũng rất giàu magiê, giúp giữ mức insulin trong tầm kiểm soát, do đó cân đối lượng đường trong máu. Đậu bắp còn làm giảm stress ô xy hóa (tình trạng mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống ô xy hóa trong cơ thể).
Bảo vệ tim. Chất xơ trong đậu bắp rất đa năng. Nó giúp giảm cholesterol “xấu” bằng cách thu thập các phân tử cholesterol khi đi qua hệ tiêu hóa. Điều này làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào máu, giúp quản lý mức cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Các chất chống ô xy hóa (ví dụ như catechin) cũng bảo vệ tim bằng cách trung hòa các gốc tự do dư thừa.
Hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh. Đậu bắp rất giàu folate, hay còn gọi là vitamin B9 – chất cần thiết để hình thành các tế bào hồng cầu và hỗ trợ sự phát triển của tế bào. Việc hấp thụ ít folate trong thời kỳ mang thai có thể gây ra dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, lượng folate được khuyến nghị hàng ngày là 400 microgam cho nam giới và phụ nữ từ 19 tuổi trở lên, và 600 microgam cho người mang thai. Trong 128 gam đậu bắp chín chứa khoảng 88 microgram folate.
Rủi ro tiềm ẩn của đậu bắp
Theo trang Shape, đậu bắp có hàm lượng oxalat cao – một hợp chất làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận. Nguyên nhân là vì oxalat dư thừa có thể kết hợp với canxi và tạo thành canxi oxalat – thành phần chính của sỏi thận. Những người đang bị sỏi thận nên hạn chế ăn đậu bắp. Đậu bắp còn rất giàu vitamin K, một dưỡng chất hỗ trợ quá trình đông máu. Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn ăn đậu bắp.
Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/loi-ich-va-luu-y-khi-an-dau-bap-1431048.html