Chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn cho biết, cân nặng và chiều cao đều là những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá trạng thái dinh dưỡng của trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào. Nhưng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Giá trị chúng ta tham khảo trên biểu đồ tăng trưởng đến từ dữ liệu của toàn dân số, không phản ánh hoàn toàn tính chất của một cá nhân, không phản ánh liệu trẻ có vấn đề hay không, mà chỉ là một chỉ báo để quan tâm.
Ông Anh Nguyễn chỉ ra, nhiều cha mẹ thường đánh đồng khái niệm “to lớn” với “cao lớn”. Họ ép con ăn nhiều thịt, nhiều cháo, cơm, uống sữa mỗi ngày chỉ vì nghĩ đó là biện pháp giúp con cao khỏe. Nuôi con bằng cách “vỗ béo” chỉ làm bé tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, tiểu đường… chứ không giúp trẻ cao lớn hơn khi trưởng thành.
Không ít cha mẹ tập trung vào phần ngọn, hơn là phần gốc bền vững. Ví dụ, để phát triển chiều cao cho con, cha mẹ thường chú tâm bổ sung vitamin D, canxi, hoặc cho trẻ uống nhiều sữa. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Để phát triển, trẻ cần phải khỏe mạnh. Mà muốn khỏe mạnh, trẻ cần tiêu hóa tốt và vui vẻ, để hấp thu tối đa chất dinh dưỡng cũng như chuyển hóa.
Cha mẹ cũng thường tập trung vào một số chất dinh dưỡng, bỏ qua sự đa dạng và cân bằng. Ví dụ, cha mẹ nếu chú tâm quá nhiều đạm trong bữa ăn của trẻ, khiến trẻ dư thừa đạm nhưng thiếu các thực phẩm cho năng lượng khác như tinh bột. Quá dư thừa đạm có thể ảnh hưởng đến rối loạn chuyển hóa của cơ thể.
Vai trò của dinh dưỡng với sự phát triển chiều cao, cân nặng
Những bằng chứng mới về phân tích gen đã cho thấy chiều cao được quyết định chỉ bởi 40-50% gen, phần còn lại có thể liên quan đến yếu tố môi trường như stress, vận động, một số bệnh, và đặc biệt là dinh dưỡng.
Một nghiên cứu dữ liệu lớn với khoảng 65 triệu người từ 200 quốc qua, vừa được công bố trên tuần san y khoa The Lancet, nhấn mạnh dinh dưỡng kém lúc nhỏ có liên quan đến sự mất mát chiều cao khi lớn. Dinh dưỡng là một yếu tố không thể bỏ qua, giúp trẻ đạt được chỉ số kỳ vọng về chiều cao tương lai. Giáo sư Ezzati, công tác tại trường Cao đẳng Hoàng gia London (Imperial College London) cho biết dinh dưỡng đúng không chỉ quan trọng trước 5 tuổi, mà còn cả tuổi đi học, dậy thì để giúp trẻ tăng trưởng chiều cao tối ưu.
Để đạt trạng thái dinh dưỡng tốt, khả năng hấp thụ tốt là rất quan trọng. Hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh góp phần không nhỏ, bởi nó giúp điều hòa năng lượng của cơ thể và hỗ trợ cơ thể hấp thụ đa dạng chất dinh dưỡng từ thực phẩm.
Những giải pháp giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng tốt
Hấp thụ tốt chất dinh dưỡng là quan trọng để cơ thể phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần. Ví dụ, lấy đủ chất béo Omega-3 tốt cho phát triển nhận thức của não bộ ở trẻ nhỏ. Sử dụng đạm được điều chỉnh chất lượng và hàm lượng phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của trẻ – giúp bé tiêu hóa tốt, miễn dịch khỏe để phát triển khỏe mạnh, đặt nền móng cho sự phát triển tối ưu cân nặng và chiều cao về sau.
Để trẻ hấp thụ tốt, bác sĩ Anh Nguyễn chia sẻ cha mẹ cần lưu ý:
Hiểu về nhu cầu của trẻ theo mỗi độ tuổi. Dung tích dạ dày của trẻ nhỏ khác người lớn. Người lớn có thể cố ăn thêm, nhưng trẻ chỉ có thể chứa một lượng nhất định vì dung tích chứa chỉ bằng 1/3 người lớn. Cho trẻ ăn đúng lượng và đúng nhu cầu là quan trọng để tiêu hóa hiệu quả và tăng hấp thu.
Lấy sự đa dạng và cân bằng làm trung tâm trong thiết kế bữa ăn của trẻ. Cơ thể trẻ không cấu thành bởi một yếu tố dinh dưỡng nào đơn lẻ, mà nó là một mạng lưới có tương hỗ qua lại của nhiều yếu tố dinh dưỡng. Vài ví dụ điển hình cho mối quan hệ tương hỗ này là: thiếu hụt vitamin D có thể giảm hấp thụ canxi từ thực phẩm; vitamin C hỗ trợ cơ thể hấp thu chất sắt trong thịt heo, bò; kẽm trong cá, tôm có vai trò xúc tác nhiều phản ứng sinh tổng hợp cho cơ thể.
Tạo môi trường ăn uống tích cực và tương tác. Trẻ cần được ăn uống trong niềm vui, sự thoải mái. Cha mẹ có thể trò chuyện với bé lúc ăn. Nếu bị quát mắng, bị ép ăn, bé vừa ăn vừa khóc, chắc chắn sẽ không thể tiêu hóa thức ăn tốt.
Quan tâm nhiều về hệ tiêu hóa của trẻ. Hấp thụ tốt giúp cơ thể có đầy đủ nguyên liệu như vitamin D, canxi, magie, chất đạm… để tăng trưởng về chiều cao, đặc biệt qua các giai đoạn phát triển nhanh như giai đoạn dậy thì.
Để giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh không thể bỏ qua vai trò của hệ lợi khuẩn đường ruột. Hệ lợi khuẩn đường ruột không chỉ liên quan đến sự tăng trưởng khỏe mạnh của trẻ trong những năm đầu đời mà còn liên quan đến sự “mở” hay “tắt” nhiều bệnh mãn tính khi trẻ lớn. Bởi hệ vi sinh vật đường ruột có vai trò trong việc điều hòa năng lượng và hỗ trợ cơ thể hấp thụ đa dạng chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Trong một báo cáo của Hiệp hội Tiêu hóa – Gan mật – Dinh dưỡng Nhi khoa châu Âu về lợi khuẩn – probiotics, nhiều bằng chứng cho thấy sự hiệu quả và tính an toàn của lợi khuẩn Bifidobacteria (Bifidus) với trẻ em. Mẹ có thể bổ sung cho con lợi khuẩn Bifidus qua các sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi và theo sự tư vấn của các chuyên gia, bác sĩ.
Sự ăn uống đa dạng, cân bằng và lành mạnh khi còn là trẻ nhỏ sẽ làm cho hệ vi sinh vật phát triển ổn định và hỗ trợ hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Ngược lại, nếu trẻ có chế độ ăn uống kém lành mạnh sẽ gây mất ổn định cho hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến việc kém hấp thu và rối loạn chuyển hóa.
Vì thế, cha mẹ nên giúp trẻ xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh từ sớm như ăn đa dạng các loại rau củ, trái cây hoặc sản phẩm chứa lợi khuẩn và những chất xơ tan tốt để giúp hệ vi sinh đường ruột của trẻ sớm ổn định và trưởng thành. Bên cạnh đó cần hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, trans-fat từ thức ăn nhanh, ít chất xơ, nhiều đường như nước ngọt, bánh kẹo…
Chuyên gia Anh Nguyễn cũng khuyên các bà mẹ khi chọn các sản phẩm dinh dưỡng như sữa cần ưu tiên các sản phẩm bảo đảm các tiêu chí về chất đạm, chất béo, chất xơ cần thiết với hàm lượng hợp lý để hỗ trợ quá trình phát triển. Các loại sữa có lượng đạm whey vượt trội thường giúp tiêu hóa dễ dàng hơn, nhờ đó trẻ hấp thu tốt hơn để cân nặng, chiều cao phát triển đúng chuẩn ở từng giai đoạn. Để có được điều này, công thức dinh dưỡng và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cần được quan tâm hàng đầu. Với nguồn dinh dưỡng chất lượng, trẻ sẽ có nền tảng thể chất vững vàng, khỏe mạnh hơn để theo đuổi sở thích, đam mê, khám phá những điều mới lạ về bản thân và thế giới xung quanh.
Kim Anh
Nguồn: https://vnexpress.net/cach-nuoi-con-khoe-ma-khong-can-ep-an-4193390.html