Chạm nhẹ cũng nổi mẩn đỏ trên da

Sau 15 đến 20 phút, phần lồi này mới dần xẹp lại nếu không có bất cứ tác động nào thêm. Em không thể đeo đồng hồ, dây chuyền hay mặc quần áo bó bởi sẽ ngứa ngáy, da nổi sần lên.

“Nếu cầm một chiếc bút vẽ lên tay, đường bút đi tới đâu, những vết nổi cũng hiện tới đó, chằng chịt như tấm bản đồ”, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, mô tả căn bệnh mà Hùng và nhiều bệnh nhân đang gặp phải.

Căn bệnh này là mày đay vẽ nổi – một trong những bệnh về “mày đay có căn nguyên”. Làn da của người bệnh vô cùng nhạy cảm, dễ bị nổi nốt khi có tiếp xúc, tác động lực vào bề mặt da.

Bác sĩ Minh cho biết mày đay vẽ nổi là bệnh thường gặp, với các mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Nhiều trường hợp mày đay đến khám trong tình trạng nặng, chân tay phù nề chỉ vì xách làn đi chợ, gây áp lực lên da tay.

Nguyên nhân gây bệnh là do tế bào Mast trong cơ thể người bệnh quá yếu, khi gặp kích thích, áp lực sẽ dễ bị vỡ nên giải phóng tế bào, tạo ra mẩn đỏ, phát ban hoặc những vết lồi như sẹo. Mày đay vẽ nổi có thể không xuất hiện từ nhỏ mà ở bất cứ thời điểm nào, ở các độ tuổi khác nhau.

Bệnh có thể điều trị bằng thuốc kháng histamine. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không đáp ứng với thuốc nên phải sử dụng các chế phẩm sinh học khác. Tỷ lệ tự khỏi trung bình của bệnh này 90% trong vòng 5 năm.

“5 năm là vấn đề trầm trọng với bệnh nhân, gây ảnh hưởng tới chất lượng sống”, bác sĩ Minh đánh giá.

Bác sĩ khám cho bệnh nhi bị mày đay vẽ nổi. Ảnh: Nguyễn Hương.

Bác sĩ khám cho bệnh nhi bị mày đay vẽ nổi. Ảnh: Nguyễn Hương.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mày đay vẽ nổi cũng như các dạng mày đay khác đang có xu hướng gia tăng, khoảng 10% so với mùa hè. Theo bác sĩ Minh, khi giao mùa, chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm tạo điều kiện thuận lợi cho căn bệnh này.

“Riêng ở phòng khám do tôi phụ trách, một ngày có tới 5 trên 30 ca tới khám, bị mày đay” bác sĩ Minh nói.

Tỷ lệ nữ giới mắc mày đay được ghi nhận cao hơn so với nam giới. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, bị giới hạn trong các hoạt động hằng ngày, như tắm nước nóng, nước lạnh, hoạt động chà xát mạnh…

Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân có thể gặp sốc phản vệ bởi căn bệnh này. Trong y văn đã ghi nhận một số trường hợp khi người bệnh nhảy xuống nước lạnh bị sốc phản vệ, tụt huyết áp, khó thở…

Bác sĩ Minh cho biết, hầu hết người mắc mày đay tới bệnh viện khám đều lầm tưởng mình mắc phải căn bệnh dị ứng. Do đó, nhiều trường hợp có thói quen ăn kiêng, tránh sử dụng các thực phẩm như tôm, cua, ốc, gà… ảnh hưởng tới cuộc sống, khiến cơ thể không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất.

Thậm chí, nhiều bệnh nhân mắc mày đay khi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tự ý tiêm truyền Corticoid tại các phòng khám tư nhân. Đặc điểm của Corticoid khi truyền sẽ cắt được các cơn ngứa, làm xẹp các vết nổi mẩn. Tuy nhiên, nó không có ý nghĩa trong việc điều trị kéo dài, bệnh nhân lại tiếp tục xuất hiện triệu chứng ngay sau đó. Corticoid còn là một trong những loại thuốc có nhiều tác dụng phụ, có thể gây loãng xương, tăng huyết áp, loét dạ dày… do đó cần sự chỉ định chặt chẽ của bác sĩ.

“Khi có những triệu chứng bất thường trên da, bệnh nhân cần tới các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để điều trị đúng phác đồ” bác sĩ Minh khuyến cáo.

Lê Nga

Nguồn: https://vnexpress.net/cham-nhe-cung-noi-man-do-tren-da-4207478.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Facebook
Gọi em số 0934.166.552