Hỏi nhanh về Covid-19: Nhận hàng hóa từ người khác, phải sát khuẩn thế nào cho đúng?

* Khi nhận hàng hóa, thực phẩm từ người giao hàng, phải sát khuẩn như thế nào để tránh nguy cơ nhiễm Covid-19? Nếu lỡ xịt cồn vào thức ăn, trái cây thì ăn vào có ảnh hưởng gì không?

Giao nhận hàng qua shipper hiện rất phổ biến, người nhận hàng cần phải sát khuẩn để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 /// Đình Tuyển

Đó là thắc mắc của bạn đọc gửi đến Báo Thanh Niên. Trả lời câu hỏi trên, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngoan, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho rằng để hạn chế nguy cơ nhiễm Covid-19 khi nhận hàng hóa từ người khác cần đặc biệt lưu ý việc giữ khoảng cách tiếp xúc, đeo khẩu trang và vệ sinh, sát khuẩn.

Hỏi nhanh về Covid-19: Nhận hàng hóa từ người khác, phải sát khuẩn thế nào cho đúng? - ảnh 1

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngoan, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ

Ảnh Đình Tuyển

Theo BS Ngoan, đầu tiên khi ra nhận hàng hóa từ người khác, chúng ta cần giữ khoảng cách, ít nhất 2 mét và đeo khẩu trang đúng cách. Sau khi nhận hàng, nên sử dụng dung dịch khử khuẩn như cồn khoảng 70 độ xịt lên bao bì hàng hóa hay bao bì đựng thực phẩm. Loại bỏ mọi bao bì không cần thiết và bỏ vào thùng rác có nắp đậy. Rửa sạch tay bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn có cồn. Sau đó sử dụng bao bì hay khay chứa đựng khác chuẩn bị sẵn để chứa đồ vừa nhận.

Với các sản phẩm không đóng gói, chẳng hạn như trái cây, rau quả, cần rửa sạch dưới vòi nước. Cũng đừng quá lo ngại khi lỡ xịt cồn vào thức ăn hay dính vào trái cây vì cồn có tính chất bay hơi nên sẽ không ảnh hưởng. Rau củ, trái cây dính cồn chỉ cần rửa sạch. Với những hàng hóa có bao bì như lon, chai, hộp… người nhận có thể lau sạch bằng chất khử khuẩn trước khi mở sử dụng hoặc khi cất giữ.

Hỏi nhanh về Covid-19: Nhận hàng hóa từ người khác, phải sát khuẩn thế nào cho đúng? - ảnh 2

Sau khi nhận hàng từ shipper nên sử dụng dung dịch khử khuẩn như cồn khoảng 70 độ xịt lên bao bì hàng hóa

Ảnh Đình Tuyển

Chú ý vệ sinh bề mặt tiếp xúc

Ngoài ra, những vị trí tiếp xúc với hàng hóa mới mang về như mặt bàn, tủ, kệ bếp… cũng cần phải được lau sạch bằng dung dịch sát khuẩn. Bởi lẽ theo ghi nhận thời gian tồn tại của SARS-CoV-2 ở một số bề mặt như gỗ có thể lên đến 4-5 ngày, giấy 3-5 ngày, nhôm 2-8 giờ, găng tay trong 8 giờ, áo choàng 1-2 giờ… Chính vì vậy việc lau sát khuẩn ở các bề mặt tiếp xúc với hàng hóa mang về là rất cần thiết.

Tuy nhiên, không nên lau sạch ngay sau khi vừa phun xịt dung dịch lên bề mặt mà tốt nhất để ướt bề mặt trong vài phút cho tăng hiệu quả sát khuẩn. Ngoài ra, các thứ khác như tiền, phiếu giao hàng nhận từ người khác cũng cần được sát khuẩn…

Chuyên mục HỎI NHANH VỀ COVID-19 ra mắt nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục này bằng hình thức bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: suckhoethanhnien247@gmail.com

Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia… để trả lời cho bạn đọc.

Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/hoi-nhanh-ve-covid-19-nhan-hang-hoa-tu-nguoi-khac-phai-sat-khuan-the-nao-cho-dung-1439583.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Facebook
Gọi em số 0934.166.552