Mỡ trong máu là gì?
Người có mỡ trong máu cao là người có nguy cơ bị mỡ đóng vào trong mạch máu. Trong cơ thể mỗi người có một gen quyết định, nên có người ăn thức ăn có nhiều cholesterol song vẫn chuyển hóa hết số mỡ này, nhưng có người chuyển hóa không được, mỡ sẽ tích tụ và đóng trong mạch máu, tạo thành một mảng xơ vữa.
Mỡ có bốn thành phần, trong đó người ta thấy hai thành phần tryglycerid (cũng là mỡ) và cholesterol (HDL, LDL) là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh. Những rối loạn về cân bằng giữa những thành phần này sẽ làm đọng lại cholesterol, tryglycerid… dẫn đến tắc mạch, thiếu máu nuôi các cơ quan trong cơ thể.
Trong cơ thể, mỡ lúc nào cũng phải có để cấu tạo nên tế bào. Cholesterol vẫn cần thiết cho cơ thể, nhưng ở một mức độ nào đó nó đóng mỡ quá nhiều, làm bít, hẹp lòng mạch máu, cản trở lưu thông mạch máu, hoặc vỡ ra. Lúc đócục máu đông sẽ bám vào mãng xơ vưã và làm tắc mạch máu
Khi tình trạng này (bít, hẹp mạch máu) xảy ra ở não thì gây nên tai biến mạch máu não, nếu ở ruột gây tắc mạch máu nuôi ruột dẫn đến hoại tử ruột; ở tim sẽ gây ra nhồi (thiếu) máu cơ tim; ở chi gây tắc (thiếu) mạch máu chi…
Bệnh xảy ra khi nào?
Bệnh xảy ra trong một quá trình lâu dài, có thể bắt đầu từ rất sớm (khoảng 20 tuổi trở lên) và không có biểu hiện gì rõ ràng. Khi mạch máu bị bế tắc nhiều, bệnh mới biểu hiện ra. Đặc biệt ở những trẻ em béo phì thì về sau có nguy cơ nhiều hơn.
Bệnh điều trị có hết không?
Khi đã có biểu hiện bệnh thì việc điều trị khó hết. Điều trị cũng chỉ củng cố và làm giảm mức độ tiến triển của bệnh chứ không thể làm trở lại mức độ bình thường như trước đây. Khi mắc bệnh cholesterol cao phải uống thuốc, theo dõi, điều trị bệnh suốt đời. Vì vậy, ngay khi mới phát hiện bệnh, bệnh nhân nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được điều trị kịp thời nhằm ngăn chặn sự tiến triển nặng lên của bệnh.
Phòng ngừa ra sao?
Nên ăn uống ở mức độ cung cấp cholesterol vừa phải (nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển cân bằng của cơ thể) để không dư thành phần mỡ nhiều quá. Những người siêng năng tập luyện (ngoài chế độ ăn uống hợp lý), làm việc năng động cũng làm tiêu bớt lượng mỡ thừa, không tạo thành những cholesterol có hại.
Vì vậy cần có chế độ phòng ngừa bệnh từ sớm. Từ 40 tuổi trở lên, sáu tháng một lần nên đi xét nghiệm máu để xem có bị bệnh không. Với người đã mắc bệnh rồi thì tùy theo mức độ nặng nhẹ, bác sĩ sẽ có chỉ định theo dõi chặt chẽ hơn (1 – 2 – 3 tháng/lần) để kịp thời điều trị tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về sau.
(Trích TT ngày 15/1/2002 của BS. Lê Thanh Liêm Phó khoa Tim mạch BV. Chợ Rẫy)