Tim mạch là một trong những nhóm bệnh nền nguy cơ cao nhất. Bên cạnh triệu chứng chính liên quan đến hô hấp ở các mức độ khác nhau do tổn thương phổi thực thể, các bất thường về tim mạch ở bệnh nhân Covid-19 được chứng minh có mối liên quan rõ ràng như: tổn thương cơ tim cấp, suy tim với phân suất tống máu giảm, rối loạn nhịp tim với tỷ lệ dao động 7,2-33%. Tỷ lệ bệnh nhân tim mạch mắc Covid-19 tử vong cao hơn các nhóm còn lại.
Các giả thuyết về mối liên hệ giữa Covid-19 và rối loạn chức năng tim mạch có thể là tổn thương phổi gây giảm chức năng giãn nở, tương tác tim phổi làm giảm chức năng tim. Hoặc, rối loạn đông máu gây tắc các vi mạch hoặc các mạch máu lớn làm ảnh hưởng đến giải phẫu, chức năng động mạch vành.
Những nghiên cứu mới công bố gần đây cho thấy nCoV có thể gây tổn thương hệ tim mạch thông qua cơ chế gây độc trực tiếp với tế bào cơ tim, tế bào nội mạc bị nhiễm trùng hoặc gián tiếp do ảnh hưởng của cơn bão cytokine, huyết khối miễn dịch và giảm oxy máu.
Người bị bệnh tim mạch luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu bệnh tật ở các nước. Do đó đây là một thời điểm hết sức căng thẳng. Hiểu biết về tổn thương hệ tim mạch ở bệnh nhân Covid-19 có vai trò rất quan trọng trong chiến lược chẩn đoán và điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV.
Người bệnh tim mạch cần ý thức được mình thuộc nhóm nguy cơ rất cao về nhiễm bệnh cũng như các biến chứng nặng xảy ra nếu không may mắc Covid-19.
Ngoài ra, tim mạch là bệnh cần được theo dõi dài hạn, dùng thuốc dài ngày. Một số thuốc điều trị bệnh lý tim mạch cần theo dõi, định kỳ xét nghiệm cũng như có thể tương tác hoặc bị ảnh hưởng khi phải điều trị bởi các thuốc khác, đặc biệt là các thuốc chống đông máu, chống kết tập tiểu cầu…
Một số triệu chứng của bệnh tim mạch rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng mắc Covid-19 như ho, khó thở, đau tức ngực, hồi hộp, mệt mỏi…
Theo khuyến cáo của các Hiệp hội Tim Mạch lớn trên thế giới, những bệnh nhân có nguy cơ cao, trong đó có bệnh nhân tim mạch, trước hết cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo chung. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đưa ra các khuyến cáo chung: Tránh tụ tập nơi đông người. Người trên 60 tuổi nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác; Đeo khẩu trang khi ra ngoài; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Tăng cường chế độ dinh dưỡng và luyện tập nâng cao sức khỏe.
Lưu ý riêng cho bệnh nhân tim mạch
Bản thân bệnh tim mạch là nguy cơ cao. Do đó càng nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc người khác.
Người có bệnh lý tim mạch nên được tiêm sớm vaccine phòng Covid-19.
Cần liên hệ ngay với các nhân viên y tế địa phương và tìm ngay số điện thoại liên hệ của các bác sĩ/điều dưỡng chuyên khoa tim mạch đang theo dõi sức khỏe cho bản thân. Nếu chưa có liên lạc của chuyên khoa tim mạch, cần tìm cách thiết lập ngay mối liên hệ này thông qua các thầy thuốc đa khoa ở địa phương mà mình đang có hoặc qua các đường dây nóng về y tế ở địa phương.
Cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc tim mạch mà mình hiện có, liên lạc với cơ sở y tế hoặc bác sĩ tim mạch để chủ động bổ sung kịp thời đầy đủ số lượng.
Không nên tự ý ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Ngược lại, không tự ý tích trữ, dùng thuốc dự phòng Covid-19 không rõ nguồn gốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ tim mạch.
Cần kiểm tra và chắc chắn rằng đã có các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp tự động, cân sức khỏe.
Tự theo dõi thường xuyên các dấu hiệu thường gặp trong mắc Covid-19 như sốt, mệt mỏi, khó thở, ho, đau tức ngực… Lưu ý là các dấu hiệu này cũng có thể gặp ở bệnh tim mạch. Khi chớm có các dấu hiệu này, cần gọi đến các thầy thuốc đang theo dõi cho bản thân trước, không nhất thiết vội vàng đến các phòng cấp cứu/bệnh viện khi chưa thật cần thiết. Nếu các triệu chứng nặng như khó thở nhiều, đau ngực nhiều vã mồ hôi, tím tái, lú lẫn, ngất… mới xảy ra thì cần gọi ngay cấp cứu 115 để được sơ cứu và vận chuyển tới bệnh viện gần nhất.
Bác sĩ Lưu Quang Minh
Khoa Hồi sức Tim mạch, Viện Tim mạch
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-benh-tim-mach-mac-covid-19-de-tro-nang-4336099.html