Một nghiên cứu mới từ Trường Y Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ), cho thấy rằng nam giới có mức hoóc môn nam tính testosterone trong máu thấp, dễ mắc Covid-19 nặng hơn, theo Scietechdaily.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y khoa của Hiệp hội y khoa Mỹ JAMA Network Open.
Giáo sư y khoa Abhinav Diwan, tác giả kỳ cựu của nghiên cứu, cho biết: “Nếu một người đàn ông khi nhập viện, có mức testosterone thấp, thì nguy cơ mắc Covid-19 nặng – nghĩa là phải chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong – cao hơn nhiều so với những người đàn ông có mức testosterone cao hơn. Và nếu trong thời gian nằm viện, mức testosterone này càng giảm, thì nguy cơ bệnh càng nặng hơn”, theo Scietechdaily.
Các nhà nghiên cứu đã đo hàm lượng của một số hoóc môn trong mẫu máu của 90 người đàn ông và 62 phụ nữ đến Bệnh viện Barnes-Jewish Hospital (Mỹ), do có các triệu chứng của Covid-19 và đã dương tính với Covid-19.
Nồng độ testosterone càng thấp thì triệu chứng Covid-19 càng nặng Ảnh Shutterstock |
Trong số đó, có 143 bệnh nhân nhập viện, các nhà nghiên cứu đã đo lại nồng độ hoóc môn của những người này vào các ngày 3, 7, 14 và 28 ngày nằm viện.
Ngoài testosterone, các nhà nghiên cứu còn đo nồng độ một số loại hoóc môn khác.
Kết quả là, ở phụ nữ, các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa mức độ của bất kỳ loại hoóc môn nào và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nhưng ở nam giới, kết quả cho thấy, nồng độ testosterone có liên quan rất rõ đến mức độ nghiêm trọng của Covid-19.
Thí điểm ‘hộ chiếu vắc xin Covid-19’ ở Việt Nam áp dụng cho những ai? |
Mức testosterone trong máu từ 250 nanogram trên mỗi decilít (ng/dl) trở xuống là mức testosterone thấp.
Khi nhập viện, những người đàn ông có mức testosterone trung bình là 53 ng/dl, mắc Covid-19 nặng hơn.
Trong khi những người có mức testosterone trung bình là 151 ng/dl, lại mắc Covid nhẹ hơn hẳn.
Vào ngày thứ ba, mức testosterone trung bình của những người đàn ông bị bệnh nặng nhất chỉ còn 19 nanogram trên mỗi decilít.
Nồng độ testosterone càng thấp thì bệnh càng nặng. Những người có mức testosterone thấp nhất trong máu – có nguy cơ cao nhất phải thở máy, phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong, theo Scietechdaily.
Trong số các bệnh nhân, có 37 người, gồm 25 nam, đã chết trong quá trình nghiên cứu.
Tuy nghiên cứu không thể chứng minh rằng mức testosterone thấp là nguyên nhân gây ra Covid-19 nghiêm trọng, nhưng mức hoóc môn nam tính thấp chính là dấu hiệu cho thấy mắc Covid nghiêm trọng hơn.
Tác giả đầu tiên, bác sĩ Sandeep Dhindsa, một nhà nội tiết học tại Đại học Saint Louis, cho biết những người đàn ông bị bệnh nặng hơn có mức testosterone thấp hơn.
Ông nói thêm, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người đàn ông ban đầu chỉ mắc Covid-19 nhẹ, nhưng nếu có mức testosterone thấp, vẫn có nhiều nguy cơ phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt hoặc đặt nội khí quản trong 2 – 3 ngày sau đó, theo Scietechdaily.
Mức testosterone thấp hơn có vẻ như dự đoán bệnh nhân nào có nguy cơ trở nặng trong vài ngày tới.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, mức độ testosterone thấp hơn ở nam giới cũng tương quan với mức độ viêm cao hơn và sự gia tăng kích hoạt các gien giúp cơ thể thực hiện các chức năng lưu thông hoóc môn giới tính bên trong tế bào.
Các nhà nghiên cứu lưu ý các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 nặng, bao gồm tuổi cao, béo phì và tiểu đường, và cả mức hoóc môn nam tính testosteronethấp.
Các nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến việc liệu những người đàn ông đang phục hồi sau Covid-19, kể cả những người bị Covid-19 lâu dài, có thể hưởng lợi từ liệu pháp bổ sung testosterone hay không.
Liệu pháp này đã được sử dụng ở những người đàn ông có nồng độ hoóc môn sinh dục thấp, vì vậy cần điều tra xem liệu dùng liệu pháp bổ sung hoóc môn có thể giúp những nam giới sống sót sau Covid-19 phục hồi chức năng hay không.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đề nghị nên thận trọng với các thử nghiệm nghiên cứu các liệu pháp nội tiết tố nhằm ngăn chặn hoặc giảm testosterone hoặc tăng estrogen để điều trị Covid-19 cho nam giới.
Nghiên cứu này đã sử dụng kho lưu trữ sinh học Covid-19 của Đại học Washington và được thực hiện với sự hợp tác của Viện Khoa học Lâm sàng và Dịch thuật (ICTS) của Trường Y Đại học Saint Louis.
Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/phat-hien-moi-nam-gioi-manh-me-se-chong-covid-19-manh-me-hon-1403785.html