Người đàn ông bị ngộ độc thuốc trừ sâu nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, thở ngáp, da tím tái đã được các bác sĩ cứu sống nhờ thay máu giải độc kịp thời.
Chiều 9.7, Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ cho hay vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc nghi do thuốc trừ sâu vào viện trong tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.
Trước đó, nam bệnh nhân N.V.U.E, 36 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ được chuyển đến bệnh viện với chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu.
Theo người nhà bệnh nhân, anh E. được phát hiện khi nằm bất tỉnh, toàn thân tím tái bên cạnh chai thuốc trừ sâu (chưa rõ loại). Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, thở ngáp, da niêm xanh tím.
Các bác sĩ nhanh chóng cho bệnh nhân đặt nội khí quản, thở máy, đặt sonde dạ dày, bơm than hoạt tính, truyền dịch để tăng thải độc. Qua xét nghiệm khí máu động mạch và các biểu hiện như màu máu nâu đen, bệnh nhân tím ngày càng nhiều, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị MetHemoglobin máu (một rối loạn máu trong đó lượng ô xy được chuyển đến các tế bào rất ít) ở mức độ nặng, tiên lượng tử vong.
Do tình trạng bệnh nặng và không có thuốc giải độc đặc hiệu nên các bác sĩ Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ dự kiến chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị nhưng do hoàn cảnh khó khăn, gia đình bệnh nhân xin ở lại bệnh viện điều trị.
ThS.BS, Lê Thị Cẩm Hồng, Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, cho biết sau 6 giờ điều trị thở máy nồng độ ô xy 100% kết hợp với vitamin C tiêm tĩnh mạch liều cao, tình trạng bệnh vẫn tiếp tục tiến triển xấu dần, độ bão hòa ô xy trong máu giảm dần, nhịp tim chậm dần. Ê kíp trực đã quyết định tiến hành áp dụng biện pháp cuối cùng là thay máu cho bệnh nhân. Kíp trực đã tiến hành trích bỏ gần 1.500 ml máu toàn phần của bệnh nhân và truyền hoàn lại 1.400 ml hồng cầu lắng và 600 ml huyết tương tươi đông lạnh cùng nhóm. Sau nhiều nỗ lực của quá trình thay máu, da niêm bệnh nhân hồng dần lên, nhịp tim trở về bình thường, máu của bệnh nhân từ đen sậm do nhiễm độc đỏ dần lên, độ bão hòa ô xy trong máu tăng lên 95%.
Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, hồng hào trở lại, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và được rút nội khí quản.
Cũng theo bác sĩ Hồng, ngộ độc MetHemoglobin thường do bệnh nhân uống hoặc tiếp xúc các thuốc và hóa chất gây Methemoglobin thường gặp như Nitrites, thuốc chữa bệnh (Dapsone, Quinones, Sulfonamides), thuốc diệt cỏ có Propanil, thuốc nhuộm Anilin. Triệu chứng thường gặp của ngộ độc Methemoglobin là môi xanh tím, tím các đầu ngón tay chân mới xuất hiện gần đây, trong trường hợp nặng sẽ có dấu hiệu tím tái toàn thân, suy hô hấp nặng và nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị đặc hiệu và kịp thời.
Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/thay-mau-cuu-song-nguoi-dan-ong-ngo-doc-thuoc-tru-sau-1411740.html