Cuối tuần, Trung tâm thính học, Bệnh viện Nhi Trung ương, rất đông gia đình có con trong độ tuổi đi học đang xếp hàng chờ khám. Chị Hoa mang cả hai con một bé gái học lớp 3 và bé trai đang học mẫu giáo 5 tuổi, đến bệnh viện kiểm tra.
“Con đã học lớp 3, điểm môn tiếng Việt lúc nào cũng kém do đọc và viết sai chính tả”, chị Hoa chia sẻ. “Con không thích giơ tay phát biểu trên lớp và hay chơi một mình, không chơi với các bạn ở lớp. Cô giáo gợi ý gia đình đưa trẻ đi khám”.
Sau khi làm các test đo thính lực và kiểm tra khả năng phát âm – ngôn ngữ, chị Hoa bàng hoàng hơn khi biết vốn từ vựng của con ít hơn so với độ tuổi và khả năng hiểu lời hội thoại chỉ được 80%. Nhiều lần chị Hoa đã muốn cho con đi khám vì con ngọng, song gia đình phản đối, nói rằng lớn sẽ tự hết ngọng
“Tôi không ngờ con tôi nói ngọng là do bị nghe kém”, người mẹ nói.
Bác sĩ Lại Thu Hà, Giám đốc trung tâm Thính học và Trị liệu Ngôn ngữ, cho biết chị Hà chỉ là một trong rất nhiều phụ huynh đã đến đây khám đều không ngờ nói ngọng của con mình là do nghe kém. Thống kê tại Trung tâm, cứ 10 bệnh nhi đến khám về vấn đề nói ngọng thì có một bệnh nhân nói ngọng do bị nghe kém.
“Mức độ nghe kém của trẻ nói ngọng thường ở mức nhẹ đến trung bình nặng. Ở mức độ này trẻ vẫn phản ứng khá tốt với âm thanh như gọi thì quay lại hoặc vẫn có khả năng nói dù ngọng. Vì vậy, cha mẹ thường không nghĩ con bị nghe kém”, bác sĩ Hà nói,
Cùng đưa con đến khám như chị Hoa, chị Giang ở Thái Nguyên chia sẻ con chị ít nói, khi nói không ai hiểu cháu nói gì vì các âm cứ ríu vào nhau.
“Nhà tôi chữa mẹo đủ kiểu, như đi cướp đồ ăn ngoài chợ, rồi đi gặp thầy lang rút lưỡi mà không được”, chị Giang chia sẻ.
Khi bác sĩ thông báo trẻ nói ngọng là do nghe kém mức độ trung bình cả hai tai, chị Giang sốc. Con chị sẽ phải đeo máy trợ thính sau đó đi luyện nói và sửa ngọng.
Bác sĩ Hà cho biết, nói ngọng là một vấn đề nói về khả năng phát âm không rõ ràng ở trẻ nhỏ hoặc thậm chí cả trên người lớn. Trong y khoa, nói ngọng được gọi là rối loạn phát âm (Speech Disorder). Vấn đề này có nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do cấu trúc môi-vòm bất thường, hoặc có thể do bại não. Thậm chí, có thể do quá trình thụ đắc ngôn ngữ chậm trễ dẫn đến hệ thống âm vị trên não bị trì trệ lại nên hệ thống phát âm âm vị của trẻ chưa được hoàn thiện.
“Những nguyên nhân trên chúng ta rất dễ nhận biết. Nhưng có một căn nguyên mà các cha mẹ thậm chí cả các nhà chuyên môn hay bị bỏ sót đó là do sức nghe để lại”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Hà, hầu hết, bố mẹ rất khó phát hiện ra trẻ nghe kém nếu trẻ chỉ nghe kém một bên (một tai sức nghe bình thường, tai còn lại bị nghe kém); nghe kém mức độ nhẹ đến trung bình nặng hai tai; nghe kém tiến triển; nghe kém tần số cao, hoặc nghe kém tần số thấp,…
Trẻ nhỏ bị một trong các vấn đề trên sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện phát âm theo đúng lứa tuổi của mình và vốn từ vựng không phong phú, đa dạng. Thông thường cha mẹ chỉ thấy con mình nói ngọng và nghĩ rằng chắc lớn sẽ hết. Vì vậy, nhiều gia đình đưa con đi khám khi con đã học tiểu học, thậm chí đang học cấp 2.
“Đối với những trường hợp như vậy, giải pháp cho các cháu bé đó là phải đeo các thiết bị trợ thính (máy trợ thính, F.M…) và có kế hoạch trị liệu ngôn ngữ phù hợp cho từng đối tượng cụ thể thì các cháu sẽ hết nói ngọng”, bác sĩ Hà nói.
Từ sáng sớm, bé Linh, 8 tuổi ở Hà Đông đã có mặt tại Trung tâm Trị liệu, ngôn ngữ Bệnh viện Nhi Trung ương để tham gia giờ trị liệu ngôn ngữ tại đây. Bé là bệnh nhi quen mặt của trung tâm từ hơn một năm nay. Linh được chẩn đoán nói ngọng và học kém do chậm phát triển trí tuệ.
“Tôi mời một cô giáo về nhà kèm riêng cho con hàng ngày để sửa ngọng và dạy học kiến thức trên lớp nhưng không thấy con tiến bộ, đi khám mới phát hiện do nghe kém. Cháu được đeo máy trợ thính và sau trị liệu ngôn ngữ một năm thì hết nói ngọng và biết đọc biết viết như bao các bạn khác”, mẹ bé Linh chia sẻ.
Bác sĩ Hà cho biết nói ngọng là một khiếm khuyết không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại là một cản trở lớn trong quá trình phát triển, hòa nhập cộng đồng của các bé. Trẻ có thể có cảm thấy tự ti và dẫn đến việc ngại giao tiếp, thậm chí có những trẻ trầm cảm vì nói ngọng. Ngoài ra việc nói ngọng có thể làm ảnh hưởng đến đọc – viết sai, gặp khó khăn trong việc học tiếng Việt lẫn ngoại ngữ.
“Hàng ngày chúng tôi tiếp nhận 20-30 cháu đến khám do nói ngọng, là con số không hề ít”, bác sĩ Hà nói.
Bác sĩ cảnh báo, cha mẹ khi thấy con mình phát âm sai nhiều, phát âm không rõ ràng, mạch lạc, hãy đi đo sức nghe sau đó hãy đi khám các chuyên khoa khác liên quan như răng hàm mặt, tâm bệnh, phục hồi chức năng và đừng quên đánh giá khá năng phát âm để biết được căn nguyên cũng như mức độ nặng nhẹ của con mình.
“Điều quan trọng ở đây là tìm ra được căn nguyên và giải pháp điều trị cho một tật nói ngọng tưởng chừng như rất đơn giản đối với con trẻ”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Nguồn: https://vnexpress.net/tre-nghe-kem-de-noi-ngong-4207782.html