Bác sĩ Thạch Văn Toàn, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết mùa mưa thời tiết ẩm ướt, ngâm chân ở vùng nước bẩn là cơ hội cho một số bệnh da phát triển. Trong đó, viêm kẽ ngón chân là bệnh rất phổ biến.
Viêm kẽ ngón chân hay nấm da chân, là bệnh nước ăn chân do nấm Epidermophyton floccosum gây ra, thường xuất hiện ở kẽ ngón thứ 3 và 4. Bệnh thường xảy ra với người sống và làm việc trong môi trường nóng ẩm, chân tiết nhiều mồ hôi hoặc tiếp xúc với nước, không đi giày, ủng hay đồ bảo hộ.
Nấm kẽ ngón chân thường có ba loại, là viêm kẽ, mụn nước và tróc vảy khô. Ban đầu da đỏ, bong vảy và ngứa ở kẽ ngón chân. Lâu dần, ngón kẽ ngón chân bị mủn, trắng bợt, có thể loét, chảy nước hoặc nứt kẽ, rớm máu. Đặc biệt, ở các khe kẽ ngón chân, nhất là ngón 3-4 luôn sít nhau. Bệnh có thể lan sang các kẽ ngón chân khác hoặc lên mu bàn chân hay rìa chân.
Một số loại nấm gây viêm kẽ ngón chân còn kèm theo mụn nước hoặc vết loét, đôi khi dễ bị nhầm với bệnh chàm hoặc da khô. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bàn chân, sau đó lây sang bàn tay, đặc biệt là khi cào gãi mạnh những vị trí bị nhiễm trùng trên bàn chân.
Bệnh rất dễ lây lan khi tiếp xúc với người bệnh. Sàn nhà, khăn tắm hoặc quần áo bẩn, giày dép đi chung… cũng có thể làm lây nhiễm nấm.
Bệnh nhân được khuyến cáo sử dụng thuốc kháng nấm thoa nhẹ vết thương nếu bệnh nhẹ và dùng đường uống khi bị nặng. Một số thuốc khác như histamin chống ngứa, thuốc kháng sinh và sát khuẩn tại chỗ nếu bội nhiễm thêm. Thuốc bôi tại chỗ có thể sử dụng các loại kháng nấm thông dụng hiện nay như nhóm allylamine, nhóm azole (ketoconazole, clotrimazole, miconazole…)
Song, bệnh nấm móng kẽ ngón chân phải điều trị lâu dài, nguy cơ tái phát cao. Do đó, người bệnh có thể lựa chọn các điều trị khác như uống itraconazole, terbinafine trong 2-4 tuần, dùng thuốc kháng nấm làm giảm nguy cơ tái phát.
Không nên lạm dụng thuốc dẫn đến cảm giác nóng, rát ở vị trí tổn thương, có thể để lại một số tác dụng phụ, nhất là phụ nữ mang thai hay đang cho con bú.
Bệnh viêm kẽ ngón chân không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều bất tiện, nhất là nhóm người làm việc môi trường ẩm ướt, thường xuyên đi giày, ra mồ hôi chân.
Để phòng bệnh, cần giữ kẽ chân luôn khô ráo, đặc biệt là giữa các ngón chân. Nên để chân trần để thoát khí khi ở nhà hay đi ngủ. Lau khô các kẽ ngón chân sau khi tắm. Thay tất thường xuyên. Nếu chân ra nhiều mồ hôi, nên thay tất hai lần một ngày. Đi giày nhẹ thông thoáng, tránh đi giày làm bằng chất liệu tổng hợp như nhựa vinyl hoặc cao su. Chọn giày dép có tính thấm hoặc đi tất mở ngón chân.
Thùy An
Nguồn: https://vnexpress.net/viem-ke-ngon-chan-de-lay-lan-4195588.html