7 sai lầm người hen suyễn thường gặp khi điều trị tại nhà

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết: Trong một vài năm đầu, người bệnh hen suyễn thường tuân thủ tốt điều trị nhưng vài năm sau thường lơ là. Trong thời điểm Covid-19, người bệnh hen suyễn khi điều trị tại nhà thường mắc phải một số sai lầm sau:

Tự bỏ thuốc sau nhiều năm điều trị

Trong quá trình điều trị hen suyễn sẽ có những giai đoạn người bệnh có biểu hiện tốt như không còn cảm giác khó thở mệt mỏi. Nhiều người tưởng rằng bệnh đã khỏi, không đi tái khám và bỏ thuốc. Nếu vô tình hít phải một tác nhân kích thích, người bệnh sẽ bị khó thở và phải nhập viện cấp cứu, bác sĩ Vinh lưu ý.

Tự giảm liều thuốc khi bệnh cải thiện

Sai lầm thứ hai chính là tự giảm liều, một số người nghĩ rằng thuốc này nhiều tác dụng phụ nên không tuân thủ liều dùng của bác sĩ. Tuy nhiên người bệnh không dám dừng hẳn việc sử dụng thuốc vì thật sự có thuốc giúp họ cảm thấy khỏe hơn. Việc tự ý cắt giảm thuốc có thể khiến cho triệu chứng không được ổn định. Quan trọng hơn hết, đó là mức độ viêm của đường thở vẫn còn.

“Tiến triển của bệnh sẽ ngày càng nặng, sau này chữa trị cho người bệnh sẽ khó vì ngay từ đầu không khống chế bệnh tốt”, bác sĩ lý giải.

Tự mua thuốc mà không đi khám

Sai lầm thứ ba chính là một số người không đi khám bác sĩ mà tự đi mua thuốc để uống. Một số loại thuốc chỉ được sử dụng điều trị cắt cơn, nhưng người bệnh lại lấy thuốc đó làm cách điều trị chính. Điều này có thể khiến họ bị nhờn thuốc, thuốc sẽ không còn hiệu quả nữa.

Uống thuốc không chính thống

Hiện có nhiều biện pháp dân gian biện pháp truyền miệng xuất hiện nhiều trên mạng, được quảng cáo giúp chữa trị bệnh hen. Những sản phẩm này uống vào ban đầu người bệnh thấy khỏe hơn, ăn uống ngon miệng và bớt khó thở. Tuy nhiên, tác dụng phụ rất nhiều.

Bác sĩ Vinh cho biết: “Có một số người uống lá cây hoặc uống một số loại thuốc để trị hen, khi vào phòng khám, bác sĩ phát hiện hội chứng Cushing do có chứa corticoid trong thuốc đó. Toàn thân bị phù vì cơ thể họ giữ nước do thuốc. Điều này sẽ để lại nhiều hậu quả như tăng đường huyết, loét bao tử hay loãng xương…”.

Một số người đang điều trị ổn định chuyển sang phương pháp không chính thống nhưng không hiệu quả, sẽ làm bệnh hen trở nặng hơn và khi quay lại điều trị, việc khống chế bệnh hen sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Xịt thuốc cắt cơn hen không đúng cách

Thuốc xịt tương đối an toàn, ít tác dụng phụ, hiệu quả rất cao nhưng đòi hỏi kỹ năng xịt thuốc khó hơn thuốc uống. Thuốc uống đa phần người bệnh uống đúng hết, khó có người uống sai. Còn với thuốc xịt, nhiều người tưởng rằng mình xịt thuốc đúng nhưng thực ra là sai. Vì vậy, bác sĩ thường đề nghị người bệnh đem chai thuốc xịt theo, xịt tại phòng khám để bác sĩ xem đúng cách hay chưa. Nếu xịt không đúng có thể gây tác dụng phụ ở vùng họng: bị khàn tiếng hoặc người bệnh tưởng đó là do bệnh lý khác…

Nhiều người trong nhà dùng chung bình xịt hen

Bệnh hen có tính chất gia đình nên trong nhà có thể có nhiều người mắc bệnh, song cần ghi nhớ bình xịt là dụng cụ cá nhân. Không nên dùng chung bình xịt vì khi ngậm trong miệng có thể chứa mầm bệnh truyền từ người này sang người khác, nhất là trong thời điểm Covid-19.

Vệ sinh bình xịt hen chưa đúng cách

Mỗi hãng cung cấp thuốc xịt hay hít sẽ có hướng dẫn cách vệ sinh dụng cụ. Tuy nhiên, sau khi ngậm, chúng ta cần vệ sinh ống ngậm. Một số bình thuốc cho phép lấy dụng cụ ra khỏi ống ngậm để làm sạch. Chúng ta cần vệ sinh một tuần một lần để tránh chất bẩn hay thuốc đọng lại ở bên trong.

Lê Cầm

Nguồn: https://vnexpress.net/7-sai-lam-nguoi-hen-suyen-thuong-gap-khi-dieu-tri-tai-nha-4345100.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Facebook
Gọi em số 0934.166.552