Đặc trưng của thời tiết giao mùa Thu-Đông là nhiệt độ và thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm không khí cao, chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm lớn… Tất cả tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn có hại phát triển.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, thời tiết giao mùa là thời điểm dịch cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… bùng phát, và với sức đề kháng kém, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để phòng tránh các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa:
Dị ứng© Getty. Ảnh minh họa
Do làn da mỏng manh và nhạy cảm, khi chuyển mùa nhiều bé thường bị dị ứng với các biểu hiện: Da nổi mẩn đỏ, ngứa, bé biếng ăn và quấy khóc.
Phòng tránh: Dị ứng gây ngứa nên trẻ thường gãi nhiều dẫn đến xước da, ba mẹ nên cắt móng tay thường xuyên hoặc đeo bao tay cho trẻ nhỏ. Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, có chất liệu mềm nhẹ từ thiên nhiên, không nên dùng các đồ len, lông… Đồng thời thường xuyên vệ sinh, đảm bảo làn da trẻ luôn khô thoáng, sạch sẽ.
Những vùng da bị tổn thương nên ngâm nước ấm trong thời gian lâu hơn và sau đó bôi kem dưỡng ẩm để tránh khô da. Kem dưỡng ẩm là bước quan trọng, giúp duy trì độ ẩm và giữ da bé mịn màng. Tuy nhiên, nên dùng loại kem có chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng tùy tiện dễ gây tác dụng ngược khiến bé bị dị ứng hoặc làm bệnh tình nghiêm trọng hơn.
Cảm cúm
Đây không chỉ là bệnh của trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng dễ mắc phải khi giao mùa. Cũng như người lớn, triệu chứng cảm cúm ở bé thường là: Nghẹt mũi, sốt, đau họng, ho, hắt xì, nhức mỏi toàn thân… Trong đó, triệu chứng nghẹt mũi và chảy nước mũi có thể kéo dài, gây khó chịu cho trẻ.
Phòng tránh: Luôn giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi (đặc biệt là trẻ sơ sinh), đặc biệt lưu ý các vị trí dễ nhiễm lạnh như bàn chân, tay, cổ, ngực, đầu. Cho bé uống nước ấm thường xuyên, tránh ăn đồ lạnh, tăng cường bổ sung dinh dưỡng, vitamin C… Với trẻ trên 6 tháng tuổi, có thể tiêm phòng mỗi năm để phòng tránh.
Tiêu chảy
Đây cũng là một bệnh bé hay mắc khi thay đổi thời tiết. Biểu hiện thường là: Nôn, đến 1-2 ngày sau thì bắt đầu đi ngoài, có thể đi kèm ho, sốt nên dễ khiến người lớn nhầm lẫn với viêm mũi họng, viêm đường hô hấp. Vì bệnh thường kéo dài 3-7 ngày nên thường khiến bé bị mất nước, mất muối dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác nếu không được điều trị kịp thời.
Phòng tránh: Quan trọng nhất là vệ sinh sạch sẽ, hạn chế ăn uống những thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh (quà vặt, hàng rong…). Cha mẹ hãy cho trẻ ăn đủ chất, bổ sung vitamin, tập luyện thể dục để tăng sức đề kháng. Khi bị bệnh, nên bổ sung nhiều nước cho trẻ, hạn chế sử dụng thuốc cầm tiêu chảy vì chúng chỉ giúp bé ngừng tiêu chảy, tạo hiện tượng khỏi bệnh giả, bởi các vi khuẩn, virus gây bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể bé, lâu ngày có thể gây viêm, tắc ruột.
Viêm đường hô hấp
Đây là bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa, các loại virus gây bệnh tồn tại trong không khí và phát triển nhanh. Khi xâm nhập vào cơ thể trẻ, chúng dễ dàng phá vỡ hệ thống đề kháng còn non kém của trẻ, nhất là hệ hô hấp từ đó gây viêm (viêm phế quản, viêm đường hô hấp hoặc nặng là viêm phổi).
Bệnh lan truyền trực tiếp qua các tiếp xúc hàng ngày: Đồ ăn uống, tay chân, nước bọt… Bé thường có biểu hiện: đột ngột sốt cao, đau đầu, đau toàn thân, lạnh, đau họng, ho, mệt mỏi, khó thở, chán ăn, tiêu chảy nhẹ…
Phòng tránh: Giữ vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay trước khi ăn. Giữ ấm cho bé, cho trẻ đeo khẩu trang và hạn chế cho bé đến nơi đông người. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế cho bé đi chơi các nơi như bể bơi công cộng, khu vui chơi dưới nước.
Chân tay miệng
Bệnh chỉ xuất hiện triệu chứng khi đã nhiễm virus 3-6 ngày nên rất khó kiểm soát, biểu hiện sớm nhất là mệt mỏi, sốt nhẹ, sổ mũi, đau họng (có thể nhầm lẫn với cảm sốt thông thường) sau đó trở nặng sẽ xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng (mặt trong má, lợi, bên lưỡi), có kích thước nhỏ, viêm đỏ. Sau đó toàn phát, các mụn nước, bọng nước xuất hiện ở chân, tay, mông, đầu gối. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý để phát hiện sớm và đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, tư vấn chữa bệnh và chăm sóc.
Phòng tránh: Hiện tay chân miệng vẫn chưa có vaccine phòng bệnh nên chỉ có thể thực hiện các biện pháp phòng chống bằng cách: Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn hoặc bế ẵm trẻ… Ăn chín, uống sôi, tiệt trùng đồ đựng đồ ăn cho trẻ, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân của các bé cho nhau.
Sốt phát ban
Sốt phát ban ở bé thường gây ra bởi 2 loại virus, virus sởi (bệnh ban đỏ), virus rubella (bệnh ban đào). Bệnh thường lây qua đường hô hấp từ người sang người. Biểu hiện: mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, đau đầu, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng có các chấm xuất huyết nhỏ. Xuất hiện hạch ở gần hai bên cổ, sau tai, sưng to và đau. Các chấm nhỏ li ti màu đỏ xuất hiện dần từ mặt, lan nhanh ra toàn thân. Sốt và nổi ban khắp người, đặc biệt ở thân mình và tứ chi.
Phòng tránh: Cần cho bé tiêm chủng vaccine phòng bệnh theo chỉ dẫn, vì đây là bệnh lây nhiễm do virus nên chỉ có thể điều trị các triệu chứng.
Sốt xuất huyết
Đây là bệnh thường gặp khi giao mùa bởi không khí ẩm thấp và thường gặp trên trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi.
Triệu chứng: Sốt cao đột ngột và liên tục trong nhiều ngày, có thể xuất hiện các dấu xuất huyết dưới da, niêm mạc miệng và đi tiểu ra máu. Khi xuất hiện triệu chứng, bạn cần cho bé uống thuốc giảm sốt loại Paracetamol, sau đó chuyển ngay tới bệnh viện, tuyệt đối không cho uống loại Aspirin vì dễ làm tăng nguy cơ chảy máu.
Phòng tránh: Đây là virus lây lan qua muỗi đốt, nên cho bé mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ngày lẫn đêm. Không để con ở nơi tối, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi cho bé ở vùng da lộ ra ngoài. Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh sạch sẽ môi trường, bỏ các vật chứa nước đọng…
Để phòng tránh các bệnh giao mùa cho trẻ, cha mẹ cần tạo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ cho trẻ, tránh cho trẻ sử dụng những vật không vệ sinh và dùng chung đồ với bạn bè. Đồng thời tăng sức đề kháng cho con bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, cho trẻ đi tiêm phòng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Đọc bài gốc tại đây.