Cách Mỹ phân loại, điều trị bệnh nhân Covid-19

Hơn một năm trước, khi cơ quan y tế Mỹ lần đầu cảnh báo Covid-19 sẽ “làm gián đoạn nghiêm trọng cuộc sống hàng ngày”, y bác sĩ mù mờ chữa bệnh theo triệu chứng và chăm sóc bổ trợ. Đến nay, Covid-19 vẫn chưa có cách điều trị chính thức. Song nhờ nỗ lực nghiên cứu toàn cầu, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân cao hơn. Nhiều người hoàn toàn không phải đến bệnh viện.

Chiến lược điều trị Covid-19 của Mỹ nhắm vào hai vấn đề lớn: khả năng nCoV lan trong cơ thể và tổn hại do hệ miễn dịch gây nên. Thông thường, khi virus xâm nhập, nó chiếm lấy tế bào và sử dụng chúng để tự tái tạo, nhân lên. Đáp lại, cơ thể gửi “tín hiệu viêm” đến tế bào miễn dịch. Ở một số bệnh nhân, phản ứng quá mạnh, kéo dài ngay cả khi virus đã được kiểm soát, dẫn đến tổn thương phổi và các cơ quan khác. Đây là hiện tượng “bão cytokine”. Bác sĩ tập trung khắc phục hai tình trạng này.

Mỹ phân loại người bệnh thành ba nhóm: bệnh nhân điều trị tại nhà, điều trị trong viện và bệnh nhân nặng.

Điều trị ngoại trú

Các F0 không triệu chứng hoặc mắc bệnh nhẹ sẽ được điều trị tại nhà, có nhân viên y tế đến kiểm tra hàng ngày trong hai tuần. Biểu hiện thường là ho, mất khứu giác và sốt. Họ được chỉ định nghỉ ngơi, uống bù dịch và dùng acetaminophen. Tổng liều hàng ngày từ các loại thuốc không vượt quá 3.000 miligam.

Người có bệnh nền và nguy cơ chuyển nặng có thể sử dụng kháng thể đơn dòng.

Thông thường, kháng thể ở người bệnh đủ khả năng nhận ra và chống lại các tác nhân lạ. Song quá trình này có thể mất vài ngày. nCoV nhân lên nhanh chóng. Vì vậy, nghiên cứu cho thấy tiêm kháng thể ngay sau khi có những triệu chứng đầu tiên giúp bệnh nhân không chuyển nặng.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt khẩn cấp ba loại kháng thể đơn dòng, sử dụng cho người lớn không nhập viện và trẻ em 12 tuổi có triệu chứng nhẹ đến trung bình. Người trên 65 tuổi, bị béo phì hoặc mắc bệnh mãn tính cũng có thể dùng phương pháp này.

Các kháng thể đơn dòng bao gồm REGN-COV; bamlanivimab kết hợp etesevimab; sotrovimab.

Điều trị cho người nhập viện

Khi bệnh nhân trở nặng và phải vào viện, chiến lược điều trị sẽ thay đổi. Hầu hết đều khó thở, lượng oxy thấp. Tình trạng này xảy ra khi virus và phản ứng miễn dịch tương ứng làm tổn thương phổi. Phần lớn bệnh nhân Covid-19 nhập viện cần thở oxy. Bác sĩ thường cho họ dùng thuốc kháng virus remdesivir và thuốc chống viêm corticosteroid.

Remdesivir ban đầu được phát triển cho bệnh viêm gan C. Sau thử nghiệm, các nhà khoa học phát hiện nó ngăn chặn nCoV tự tái tạo bằng cách phá vỡ khối di truyền của virus. Thuốc rút ngắn thời gian nằm viện, được kê cho những người phải thở oxy càng sớm càng tốt.

Thuốc chống viêm Corticosteroid thuộc dòng steroid, làm dịu phản ứng miễn dịch của cơ thể, được dùng trong nhiều thập kỷ để điều trị các rối loạn sau viêm. Thuốc khá phổ biến, giá rẻ, đã qua nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì vậy, đây là một trong những liệu pháp đầu tiên được thử nghiệm lâm sàng với Covid-19.

Một bệnh nhân Covid-19 62 tuổi được điều trị tại Bệnh viện Giám lý Houston, Mỹ, tháng 6/2020. Ảnh: NY Times

Một bệnh nhân Covid-19 62 tuổi được điều trị tại Bệnh viện Giám lý Houston, Mỹ, tháng 6/2020. Ảnh: NY Times

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng steroid liều thấp làm giảm tử vong ở bệnh nhân nhập viện đang thở oxy, kể cả những người yếu nhất. Sau các phát hiện mang tính bước ngoặt, steroid hiện là tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe với bệnh nhân nội trú.

Bên cạnh đó, bác sĩ còn dùng thuốc làm loãng máu cho người bị “bão cytokine”. Covid-19 và các bệnh do virus làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dễ dẫn đến đau tim, đột quỵ và huyết khối phổi. Nhiều bệnh nhân được dùng heparin hoặc enoxaparin để làm loãng máu hoặc ngăn ngừa tình trạng này.

Điều trị các ca nặng nhất

Các ca nghiêm trọng với triệu chứng viêm phổi nặng và tổn thương các cơ quan cần vào khu hồi sức tích cực (ICU) để thở oxy nồng độ cao hoặc thở máy.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh nhân trong ICU dùng steroid có tỷ lệ sống sót cao hơn. Tuy nhiên, chỉ steroid liều thấp không đủ hạn chế tình trạng viêm.

Lúc này, bác sĩ dùng đến Tocilizumab. Đây là kháng thể chuyên ngăn chặn chất miễn dịch interleukin-6, gây viêm khi mắc Covid-19. Phương pháp đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được bình duyệt. Song các nhà khoa học chỉ ra rằng tiêm một liều Tocilizumab trong hai ngày sau khi đặt máy thở và dùng steroid liều thấp làm giảm nguy cơ tử vong. Thuốc cũng có lợi cho người có mức độ viêm cao. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến nghị sử dụng Tocilizumab kết hợpsteroid trong điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nặng.

Các liệu pháp tiên tiến hữu ích, song việc chăm sóc cẩn thận cho bệnh nhân trong ICU cũng rất quan trọng. Nhiều thập kỷ nghiên cứu sâu rộng cho thấy nguyên lý cốt lõi để điều trị cho người dùng máy thở là tránh để phổi bị thiếu khí và tràn dịch. Cho họ sử dụng thuốc an thần liều thấp. Lật úp một số bệnh nhân để giảm áp lực lên phổi. Nguyên tắc này giúp người bệnh sốt sót và phục hồi sau cơn hiểm nghèo có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng.

Thục Linh (Theo Conversation, Havard, Sciencemag)

Nguồn: https://vnexpress.net/cach-my-phan-loai-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-4326732.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Facebook
Gọi em số 0934.166.552