Di chứng liệt sau đột quỵ khó hồi phục

Tại Khoa Đột quỵ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, anh kể lúc đột quỵ anh đang làm việc bất ngờ chóng mặt, điện thoại đang cầm trên tay rơi xuống đất, ngã đập người vào tường. Sau đó anh không hay biết gì nữa. Đồng nghiệp phát hiện, đưa anh vào Bệnh viện Quân y 175.

Các bác sĩ xác định anh bị đột quỵ thể xuất huyết não. Sau cấp cứu nội khoa, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, song di chứng liệt cứng nửa người trái, không đi lại được.

Sau một tháng điều trị, anh được chuyển sang bệnh viện khác tập phục hồi chức năng. Nửa năm qua các chức năng vận động cải thiện rất chậm.

Ngày 22/12, anh đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị, nửa người trái vẫn bị liệt hoàn toàn, không đi lại, vận động được. Các bác sĩ phục hồi chức năng cho anh bằng phương pháp điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt và kết hợp vật lý trị liệu.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân, ngày 23/12. Ảnh: Thúy Quỳnh

Bác sĩ khám bệnh nhân, ngày 23/12. Ảnh: Thúy Quỳnh

Bác sĩ Nguyễn Khắc Ninh, Trưởng khoa Đột quỵ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết cách đây vài năm, bệnh nhân đột quỵ khoa tiếp nhận chủ yếu độ tuổi 40-60, chiếm trên 60%. Gần đây, ghi nhận nhiều bệnh nhân trẻ hơn, tầm 30-40 tuổi.

Y học cổ truyền thường ứng dụng vào điều trị đột quỵ sau giai đoạn cấp, tối thiểu sau một tuần, tùy thuộc tình trạng bệnh nhân. Châm cứu là biện pháp chính để phục hồi, bên cạnh dùng thuốc y học cổ truyền.

Đông y gọi tai biến hay đột quỵ là chứng trúng phong bởi bệnh phát nhanh, mạnh, biến chứng khó lường. Biểu hiện của trúng phong kinh lạc là người bệnh vẫn tỉnh táo nhưng cơ thể liệt, không thể cử động theo ý muốn.

Bác sĩ Ninh cho biết, nguyên lý chính trong trúng phong gây bế tắc kinh lạc, do đó châm cứu nói chung giúp điều hòa, tuần hành khí huyết, lưu thông kinh lạc để giảm triệu chứng liệt. Ngày nay kết hợp điện và châm cứu, là kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, gọi là phương pháp điện châm.

Thông thường bệnh nhân tai biến liệt nửa người được châm khoảng 20 huyệt cả chân và tay. Bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 trung ương, rối loạn ngôn ngữ hay mất ngủ, tinh thần chưa tỉnh táo thì có thể châm nhiều hơn.

Bác sĩ nhận định bệnh nhân này nặng, di chứng liệt sau đột quỵ khó hồi phục trong thời gian ngắn, tiên lượng phải mất nhiều đợt điều trị, có thể nhiều năm. “Mục tiêu trước mắt là điều trị giúp bệnh nhân có thể đi lại được trong phòng và tự thực hiện các thao tác vệ sinh cá nhân”, bác sĩ nói.

Bác sĩ thực hiện điện châm cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Nhật

Bác sĩ thực hiện điện châm cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Nhật

Bệnh nhân cho biết hai năm trước khi bị đột quỵ, anh được chẩn đoán cao huyết áp. Anh không tuân thủ điều trị, vẫn duy trì các thói quen có hại như uống rượu bia, hút thuốc lá… Lúc xảy ra đột quỵ, huyết áp tâm thu của anh lên tới 240 mmHg.

“Cao huyết áp là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bị xuất huyết não”, bác sĩ nói.

Bác sĩ Ninh khuyến cáo, cần đảm bảo ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ và đặc biệt là hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, cũng như hút thuốc lá. Trường hợp nguy cơ như tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu… cần khám định kỳ và tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ, phòng ngừa đột quỵ.

Thúy Quỳnh

Nguồn: https://vnexpress.net/di-chung-liet-sau-dot-quy-kho-hoi-phuc-4211070.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Facebook
Gọi em số 0934.166.552