Giữa lúc dịch bệnh bùng phát, nhiều bệnh nhân ung thư vú vẫn được điều trị theo đúng phác đồ với sự hỗ trợ của hệ thống khám bệnh từ xa (telehealth).
Theo các chuyên gia y tế, người bệnh ung thư nếu nhiễm Covid-19, tiên lượng sẽ nặng hơn, vì bệnh nhân suy giảm sức đề kháng, thể trạng yếu do ung thư và do hóa chất điều trị.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, khi các ca dương tính với SARS-CoV-2 xuất hiện tại một số bệnh viện, trong đó có bệnh viện điều trị cho bệnh nhân ung thư, nhiều biện pháp được đưa ra nhằm giúp bệnh nhân ung thư vẫn được điều trị bệnh theo đúng phác đồ.
Việc thăm khám của bệnh nhân ung thư trong thời gian dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. |
Để hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh, tại nhiều bệnh viện, các bác sĩ điều trị trực tiếp sẽ liên hệ hướng dẫn người bệnh, phối hợp cùng các cơ sở chuyên khoa ung bướu gần người bệnh nhất để tiếp tục theo dõi, thực hiện phác đồ điều trị trong thời gian này.
Một trong những giải pháp hữu hiệu là ứng dụng telehealth (hội chẩn từ xa), giúp bệnh nhân ở xa bệnh viện (hay ngoại tỉnh) có thể tiêm truyền ở các bệnh viện tuyến dưới, tránh phải di chuyển khó khăn. Đặc biệt, trong trường hợp bệnh viện lớn tuyến trên bị cách ly, bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục liệu trình điều trị. Hiện tại, cách thức này đang tỏ ra có hiệu quả với bệnh nhân ung thư vú.
Hệ thống hội chẩn và khám bệnh từ xa (telehealth) đã được triển khai tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước, kết nối hơn 600 bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh thành. |
Theo thống kê năm 2020 của Trung tâm ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan), Việt Nam có 182.563 ca mắc mới, trong đó có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm khoảng 11,8% tổng số các loại bệnh ung thư. Việc điều trị ung thư vú đòi hỏi sự kết hợp đa mô thức giữa các phương pháp: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích và nội tiết.
Hầu hết thuốc điều trị bệnh ung thư được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, liệu pháp này làm giảm chất lượng cuộc sống, mất thời gian đi lại và tiêm truyền của bệnh nhân. Do đó, hiện nay, các bệnh viện và cơ sở y tế đang tiến hành sử dụng kỹ thuật tiêm dưới da cho bệnh nhân ung thư.
Đây là kỹ thuật dùng bơm kim tiêm đưa một lượng dung dịch thuốc nhắm đích dạng tiêm dưới da vào mô liên kết dưới da vùng bụng, đùi hay cánh tay… của bệnh nhân. Kỹ thuật này không cần pha chế thuốc và tính liều, vì dạng bào chế là dung dịch dùng để tiêm ngay liều cố định; không có liều tải, tiêm dưới da trong khoảng 2-5 phút, rút ngắn thời gian bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.
Do vậy, việc sử dụng thuốc tiêm dưới da kết hợp ứng dụng telehealth (hội chẩn từ xa) có thể trở thành giải pháp giúp bệnh nhân ung thư vú được điều trị tốt trong lúc bệnh dịch diễn biến phức tạp. Điều này sẽ giúp bệnh nhân không phải di chuyển mà vẫn được điều trị đúng và đủ liệu trình bệnh lý ung thư vú, giảm thời gian nằm bệnh viện, hạn chế khả năng tiếp xúc với các bệnh nhân khác, giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh. Nhiều chuyên gia dự đoán đây sẽ là phương pháp được áp dụng rộng rãi trong thời gian tới.
Nguồn: https://zingnews.vn/dieu-tri-khong-tap-trung-voi-benh-nhan-ung-thu-vu-thoi-dich-covid-19-post1228619.html