Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Kiểm, Phó Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K, cho biết lý do khiến bệnh ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tử vong cao là do các triệu chứng của căn bệnh không rõ ràng và điển hình, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính tiến triển rất âm thầm ở giai đoạn sớm, hầu như không có biểu hiện lâm sàng. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi khối u kích thước đủ lớn và xâm lấn vào các tổ chức lân cận xung quanh. Đa số trường hợp phát hiện sớm là do khám sức khỏe định kỳ hoặc khám các bệnh lý khác tình cờ phát hiện.
Triệu chứng thường gặp ung thư phổi là ho khan kéo dài, ho nhiều, khó thở, khàn giọng hoặc khò khè… Đa số người bệnh, đặc biệt người hút thuốc lá, bỏ qua các triệu chứng này, nghĩ rằng do viêm phế quản nên không đi khám. Đến khi ho kéo dài, uống thuốc không bớt, đi khám mới phát hiện ung thư phổi.
Các dấu hiệu khác như đau ngực không thường xuyên, lúc đầu có thể đau nhẹ, sau nặng hơn; khạc đờm ra máu, khó thở, sút cân, đau đầu…
Theo số liệu từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến đứng thứ 2 trên thế giới (chiếm 11,4%) với khoảng 2,2 triệu ca mắc mới năm 2020. Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi cao nhất trong tất cả các bệnh ung thư với gần 1,8 triệu ca tử vong trong năm.
Ở Việt Nam, ung thư phổi xếp vị trí thứ hai sau ung thư gan với khoảng 26.000 người mắc mới và 23.000 người tử vong mỗi năm. Điều đáng nói, có đến 75% bệnh nhân ung thư phổi tại nước ta phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Chỉ có 25-30% người bệnh đến khám ở giai đoạn sớm, còn chỉ định phẫu thuật triệt căn được.
Theo các nhà khoa học, dưới 10% bệnh ung thư phát sinh là do các rối loạn từ bên trong cơ thể của con người mà không thể thay đổi được. Hơn 80% bệnh ung thư phát sinh là do liên quan đến yếu tố bên ngoài mà con người có thể thay đổi được, bao gồm các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường, các bệnh lý mạn tính.
Hút thuốc lá, kể cả thụ động, là một trong những nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Người hút thuốc lá nguy cơ mắc ung thư cao hơn người không hút thuốc 6-30 lần. Các nhà khoa học phát hiện được trong khói thuốc lá có hơn 4.000 chất độc, trong đó hơn 40 chất gây ung thư. Nhiều nghiên cứu khảo sát bệnh nhân mắc ung thư phổi chỉ ra, 90% người mắc có liên quan đến hút thuốc lá, 24% người mắc bắt nguồn từ hút thuốc thụ động.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Ngoài ra, những người tiếp xúc với khói, bụi, quá trình luyện thép, niken, crom nếu không tuân thủ bảo hộ lao động cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư phổi có rất nhiều mô thức điều trị. Bệnh nhân có thể phẫu thuật, tia xạ, hóa chất, áp dụng các mô thức điều trị theo cá thể như điều trị nhắm đích, điều trị miễn dịch. Việc phát hiện bệnh ung thư phổi ở giai đoạn muộn đồng nghĩa với việc phải phối hợp nhiều phương pháp điều trị, gây khó khăn, tốn kém, thời gian chữa trị kéo dài. Do vậy, gia đình bệnh nhân sẽ đối diện với gánh nặng tài chính (viện phí, chi phí ăn uống, di chuyển…), tâm lý trong suốt quá trình điều trị.
Phương pháp giúp tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi là chụp X-Quang phổi. Theo bác sĩ, nhóm nguy cơ cao như tuổi trên 50, hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, các chất phóng xạ, những người trong gia đình có nhiều người mắc ung thư, những người có các tổn thương mạn tính tại phổi cần khám sức khỏe định kỳ.
Những người có dấu hiệu bất thường về hô hấp như ho kéo dài, ho khạc đờm dây máu thâm, tức ngực, cảm giác khó thở hoặc toàn thân mệt mỏi, ăn kém, gày sút cân… cũng cần phải đến các cơ sở y tế khám phát hiện sớm ung thư phổi.
Nguồn: https://vnexpress.net/ho-keo-dai-coi-chung-ung-thu-phoi-4266587.html