Mối nguy khi trẻ viêm màng não mô cầu

Thông tin được chia sẻ tại buổi tư vấn trực tuyến “Viêm màng não do não mô cầu – Chủ quan là mất mát”, được phát sóng trực tiếp trên fanpage VnExpress vào giữa tháng 4 vừa qua. Chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng ngày Viêm màng não thế giới, với sự đồng hành của Hội Y học Dự phòng Việt Nam và tài trợ bởi Công ty Sanofi Việt Nam.

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Trưởng khoa Nội (Truyền nhiễm), Bệnh viện Nhi Trung Ương cung cấp nhiều thông tin về bệnh viêm màng não do não mô cầu cũng như giúp giải đáp câu hỏi của phụ huynh về căn bệnh này. Chương trình còn có sự góp mặt của diễn viên Tú Vi trong vai trò khách mời để chia sẻ thắc mắc từ phía các bậc cha mẹ có con nhỏ.

Bệnh có thể để lại nhiều di chứng

So với một số bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại nước ta, viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu có số ca mắc không nhiều nhưng lại là một trong những căn bệnh nguy hiểm và để lại nhiều di chứng nặng nề nhất. Bệnh có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhân trong vòng 24 giờ kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên nếu không được điều trị kịp thời.

Nếu may mắn còn sống, khoảng 20% bệnh nhân mắc các di chứng như chậm phát triển thần kinh, khiếm thính, bại liệt, mất chi… theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới. Vì những triệu chứng ban đầu dễ gây nhầm lẫn với các bệnh cúm, nhiễm siêu vi thông thường, viêm màng não do não mô cầu thường không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để lại nhiều hậu quả.

Bác sĩ Thiện Hải chia sẻ, đối với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện của trẻ, nhất là khi chưa được chủng ngừa, nhiễm trùng không chỉ gây viêm màng não mà còn dẫn đến hiện tượng nhiễm trùng máu. Vi khuẩn lưu hành trong máu có thể di chuyển đến và gây hoại tử các tuyến thượng thận, nơi tiết ra hormone duy trì huyết áp, từ đó gây ra hiện tượng sốc nhiễm trùng do tụt huyết áp, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Chia sẻ thêm về hậu quả và di chứng mà bệnh để lại, bác sĩ Thiện Hải cho biết, không chỉ mỗi màng não, độc tố trong vi khuẩn não mô cầu còn có thể gây thương tổn cả nhu mô não và để lại những di chứng nặng nề về thần kinh. Vi khuẩn não mô cầu còn có khả năng làm tắc mạch máu đi nuôi các chi của cơ thể, gây hoại tử và đoạn chi. Đó không chỉ là gánh nặng đối với bản thân người bệnh, mà còn gây áp lực lên cả gia đình và xã hội.

Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải (giữa) và diễn viên Tú Vi (bìa trái) trong buổi tư vấn trực tuyến Viêm màng não do não mô cầu - Chủ quan là mất mát tổ chức vào giữa tháng 4.

Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải (giữa) và diễn viên Tú Vi (bìa trái) trong buổi tư vấn trực tuyến “Viêm màng não do não mô cầu – Chủ quan là mất mát” tổ chức vào giữa tháng 4.

Mầm bệnh có thể tồn tại nhiều nơi

Bệnh do não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn.

Theo bác sĩ Thiện Hải, khoảng 25% người trưởng thành có khả năng mang vi khuẩn trong cơ thể nhưng không biểu hiện bệnh ra ngoài. Điều này đồng nghĩa họ có thể lây bệnh cho con trẻ bất cứ lúc nào mà không hề hay biết. Tại Việt Nam, do tỷ lệ mắc không nhiều nên đa số các bậc cha mẹ đều có tâm lý chủ quan, ít chú ý đến bệnh.

Bố mẹ nên lưu tâm đến từng biểu hiệu khác thường của trẻ, chủ động liên hệ cơ quan y tế để có thể can thiệp kịp thời và bảo vệ con khỏi những hậu quả đáng tiếc.

Tiêm vaccine phòng viêm màng não mô cầu

“Công nghệ sản xuất vaccine tại các quốc gia trên thế giới rất tiến bộ, nếu không áp dụng để phòng bệnh sẽ là thiếu sót. Tiêm vaccine là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả nhất, bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có viêm màng não do não mô cầu”, bác sĩ Thiện Hải nhấn mạnh.

Bác sĩ Thiện Hải chia sẻ thêm, tại Việt Nam, hiện có hai loại vaccine ngừa viêm màng não do não mô cầu. Vaccine polysaccharide có thể tiêm khi trẻ từ 6 tháng phòng bệnh não mô cầu 2 nhóm huyết thanh B, C. Vaccine tứ giá cộng hợp tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi phòng bệnh do não mô cầu 4 nhóm huyết thanh là A, C, W và Y. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vaccine cộng hợp nên được ưu tiên vì khả năng sinh miễn dịch và bảo vệ cộng đồng, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi.

Tuy nhiên, dù tiêm loại vaccine nào, quan trọng nhất vẫn là tiêm phòng đúng lịch và đầy đủ các mũi để phòng bệnh cho trẻ hiệu quả hơn. Các bậc cha mẹ cần tham khảo tư vấn của bác sĩ để lựa chọn vaccine phù hợp.

Độc giả có thể xem thêm phần giải đáp thắc mắc về bệnh viêm màng não do não mô cầu và lưu ý trong tiêm vaccine phòng ngừa bệnh tại đây.

Ngọc An

Nguồn: https://vnexpress.net/moi-nguy-khi-tre-viem-mang-nao-mo-cau-4269589.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Facebook
Gọi em số 0934.166.552