Nặn mụn trên cằm, người đàn ông bị viêm phổi nặng, nguy kịch

Chỉ vì nặn mụn trên cằm, gần với môi dưới mà người đàn ông Trung Quốc đã suýt chết vì viêm phổi nặng. Ông nhập viện trong tình trạng sốt, vùng dưới môi sưng lớn, viêm phổi ở mức nguy kịch.

Sau khi nặn mụn, vết mụn của ông Trần bị nhiễm trùng, gây sưng đỏ và rất đau /// Ảnh minh họa: Shutterstock

Khi thấy một nốt mụn đỏ xuất hiện ở cằm, ông Trần ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã dùng tay nặn ra vào tháng 12.2020. Tuy nhiên, vết nặn này bị nhiễm trùng, khiến ông bị sốt, khó thở và môi bị sưng lớn, theo Daily Mail.

Bà Thiên, vợ ông Trần, hoảng sợ đã đưa ông đến Bệnh viện Nhân dân số 1 ở thành phố Thường Châu để khám. “Tôi đã nói với ông ấy là đừng có nặn nó ra vì ông ấy hay nặn mụn. Tôi không ngờ lần này mọi chuyện lại nghiêm trọng đến vậy”, bà Thiên kể lại.

Tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện ông bị viêm phổi kép. Cả hai phổi ông đều bị viêm. Bệnh tiến triển nặng khiến ông Trần rơi vào nguy kịch. Ông lập tức được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt.

“Ông ấy bị viêm sưng vùng môi miệng, dẫn đến viêm phổi kép và xẹp phổi. Bệnh tình của ông ấy rất nguy kịch”, bác sĩ Chu, người trực tiếp điều trị cho ông Trần, kể lại.

Ông Trần bị viêm phổi nghiêm trọng là do nặn mụn ở vùng được gọi là “tam giác tử thần” trên mặt. Đây là vùng bắt đầu từ điểm ở phía trên mũi, ngay giữa 2 chân mày kéo dài đến 2 bên môi, vị trí thường thấy của má lúm đồng tiền. Nặn mụn và gây nhiễm trùng ở vùng da này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nặn mụn trên cằm, người đàn ông bị viêm phổi nặng, nguy kịch - ảnh 1

Chỉ vì nặn mụn mà ông Trần đã bị viêm phổi nặng và suýt chết

Ảnh: Shuttesrtock

Nguyên nhân là do tĩnh mạch cung cấp máu đến vùng da “tam giác tử thần” sẽ chạy ra sau hốc mắt và dẫn máu trở lại các vùng xoang gần não.

Nếu nhiễm trùng xuất hiện vùng “tam giác tử thần” thì có thể gây ra các cục máu đông chứa vi khuẩn ở tĩnh mạch, gây chèn ép lên não, thậm chí gây tử vong. Trong trường hợp của ông Trần, nhiễm trùng có thể đã theo dòng máu lây lan đến phổi.

“Điều đầu tiên là phải tránh nặn mụn bằng tay. Quan trọng hơn hết là nếu vùng da xung quanh vết mụn bị đỏ, sưng đau hoặc sốt thì phải đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt”, bác sĩ Chu khuyến cáo.

Sau khi điều trị được 1 tháng, tình hình sức khỏe ông Trần đã ổn định. Tuy nhiên, ông vẫn còn đang nằm lại đơn vị chăm sóc đặc biệt, theo Daily Mail.

Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/nan-mun-tren-cam-nguoi-dan-ong-bi-viem-phoi-nang-nguy-kich-1329408.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Facebook
Gọi em số 0934.166.552