Nhiều người nghĩ đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng điều đó không đúng.
Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ và ở mọi lứa tuổi. Trên thực tế, đột quỵ đang gia tăng ở những người trẻ tuổi. Hiểu biết các dấu hiệu của đột quỵ có thể tự cứu sống bản thân và người khác, theo Easy Health Options.
Các nhà nghiên cứu gần đây đã khảo sát 9.844 người trẻ dưới 45 tuổi về các dấu hiệu của đột quỵ. Kết quả cho thấy gần 30% không thể trả lời tất cả 5 triệu chứng đột quỵ phổ biến nhất và 3% không thể trả lời dù chỉ một triệu chứng.
Theo tiến sĩ Mitchell S. V. Elkind, Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Mỹ, đối với đột quỵ thì điều trị càng sớm càng có nhiều khả năng giảm thiểu di chứng, thậm chí ngăn ngừa tử vong.
Tại sao ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ?
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống ở những người trẻ tuổi, bao gồm béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường và cholesterol cao.
Đột quỵ xảy ra khi lượng máu lên não bi cắt đứt. Khi các tế bào não không thể nhận được ô xy, chúng nhanh chóng chết đi, gây tổn thương não, tàn tật hoặc thậm chí tử vong.
Có ba loại đột quỵ chính:
• Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là trường hợp phổ biến nhất và xảy ra khi mạch máu cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn, thường là do cục máu đông phát triển tại các mảng mỡ trong mạch máu. Các cục máu đông do rung nhĩ cũng dẫn đến loại đột quỵ này.
• Đột quỵ do xuất huyết
Đột quỵ do xuất huyết xảy ra khi một mạch máu yếu bị vỡ gây chảy máu bên trong não, thường do huyết áp cao.
• Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua xảy ra do cục máu đông tạm thời.
Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào của đột quỵ thì phải lập tức gọi cấp cứu Ảnh: Shutterstock |
Cách nhận biết đột quỵ
Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ là rất cần thiết, theo Easy Health Options.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ và Hiệp hội Đột quỵ Mỹ đã đưa ra các triệu chứng đột quỵ phổ biến, biểu hiện ở mặt, tay và miệng, như sau:
• Mặt: Mặt mất cân đối, méo xệ.
• Tay: Tê, yếu tay, chân.
• Lời nói: Giọng nói bất thường, nói lắp, nói ngọn đớ lưỡi.
• Tay: Người bệnh không thể giơ tay lên cao, hoặc sẽ buông thõng tay xuống ngay khi giơ lên.
• Điều quan trọng nhất: Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào, phải lập tức gọi cấp cứu.
Có thể tránh được đến 90% số ca đột quỵ
Sau đây là một số yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ:
• Huyết áp cao.
• Bệnh tiểu đường.
• Bệnh tim.
• Di truyền hoặc tiền sử gia đình.
• Chế độ ăn uống không lành mạnh.
• Cholesterol cao.
• Uống quá nhiều rượu.
• Ít vận động thể chất.
Theo bác sĩ tim mạch Elizabeth Klodas (Mỹ), đột quỵ có thể phòng ngừa được. Một nghiên cứu với 27.000 người từ mọi châu lục trên thế giới cho thấy 90% các ca đột quỵ có thể được ngăn ngừa, nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống, theo Easy Health Options.
Một số lối sống lành mạnh nên làm theo, như:
• Tập thể dục thường xuyên.
• Kiểm soát huyết áp.
• Bỏ thuốc lá.
• Giảm bớt căng thẳng.
• Duy trì cân nặng hợp lý.
• Thực hiện chế độ ăn lành mạnh cho tim, theo Easy Health Options.
Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/tai-sao-ngay-cang-co-nhieu-nguoi-tre-bi-dot-quy-1320000.html