Trước tình hình trẻ mắc tay chân miệng tại TP.HCM tăng nhanh trong 3 tháng qua, đặc biệt có nhiều ca bệnh nặng, các bác sĩ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch như 10 năm về trước nếu không phòng bệnh tích cực.
Ngày 16-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phát cảnh báo số ca bị tay chân miệng biến chứng nặng có xu hướng gia tăng tại TP.HCM, giống đợt dịch tay chân miệng 10 năm trước (năm 2011).
Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ Online, năm 2011 cả nước có 112.000 ca mắc tay chân miệng và 169 ca tử vong. Đây là năm có số ca mắc và ca tử vong lớn nhất do bệnh tay chân miệng tính từ năm 2003 – thời điểm Việt Nam ghi nhận ca bệnh tay chân miệng đầu tiên.
TP.HCM lúc bấy giờ cũng là một trong những địa phương ghi nhận nhiều ca mắc và tử vong vì bệnh tay chân miệng.
Hiện cả nước đã ghi nhận 4 ca tử vong do bệnh tay chân miệng ở Kiên Giang, Long An và An Giang. Bộ Y tế thông báo số ca mắc đang tăng cao tại các tỉnh thành phía Nam.
Vì sao tăng ca bệnh nặng?
Nhớ lại đợt dịch tay chân miệng năm 2011, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về chuyên khoa nhiễm – thần kinh cho biết thời điểm đó người dân chưa biết nhiều về bệnh tay chân miệng do công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe còn hạn chế. Vì thế phần lớn trẻ chuyển nặng mới đến bệnh viện, khiến tỉ lệ tử vong cao.
Đồng thời, ngành y tế lúc bấy giờ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng, đặc biệt ghi nhận virus EV71 phân nhóm C4, độc lực mạnh, gây biến chứng nặng.
Vậy vì sao TP.HCM ghi nhận nhiều ca bệnh nặng trong 3 tháng qua? Bác sĩ Dư Tuấn Quy – phó trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – cho rằng nguyên nhân chính là do sự chủ quan của phụ huynh khi tự ý chữa bệnh cho trẻ tại nhà qua Internet, đến khi trẻ có dấu hiệu nặng mới đi viện.
Dù các dấu hiệu lâm sàng của tay chân miệng là sốt, loét miệng, nổi phát ban dạng phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân… nhưng theo bác sĩ Quy, vẫn có một số trường hợp không điển hình và các triệu chứng trên không rõ ràng, khiến phụ huynh nhầm lẫn với các bệnh khác.
Bên cạnh đó, tháng 3, 4 và 5 hằng năm là thời điểm của bệnh tay chân miệng khi trẻ quay lại trường lớp, tiếp xúc nhiều bạn bè trong trường lớp. Nếu một trẻ mắc bệnh mà không được cách ly sẽ lây cho nhiều trẻ khác trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hơn 1 năm qua, trẻ hạn chế ra ngoài nên có thể suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh.
Và năm nay cũng rơi đúng vào chu kỳ bệnh 5 và 10 năm. “Nếu không phòng ngừa tích cực thì dịch tay chân miệng có thể bùng phát, đặc biệt là thời điểm tháng 8 – 10 sắp tới” – một chuyên gia chuyên khoa nhiễm – thần kinh lưu ý.
Phòng bệnh cách nào?
HCDC cho biết tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh diễn tiến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.
Để phòng bệnh tay chân miệng, HCDC khuyến cáo trẻ phải được thường xuyên rửa tay với xà phòng; không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi; không dùng chung chén, bát đĩa, thìa; thực hiện ăn chín, uống chín.
Phụ huynh và nhà trường thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường khác; phân của trẻ phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nghỉ học, không tiếp xúc với trẻ khác và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vi-sao-tp-hcm-tang-so-ca-benh-tay-chan-mieng-do-nang-20210418135516547.htm