Bác sĩ Nguyễn Trung Huy, Khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Huế chi viện Bắc Giang, hiện là bác sĩ phụ trách chăm lo chế độ bệnh lý và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trung tâm hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện tâm thần.
Ông cho biết: “Dinh dưỡng là biện pháp quan trọng giúp cho người bệnh phục hồi, nâng cao thể trạng. Với các bệnh nhân Covid-19 nặng, nếu chỉ điều trị bằng thuốc mà không kết hợp tăng cường dinh dưỡng sẽ dễ dẫn tới tình trạng suy kiệt, chậm phục hồi và kéo dài hơn thời gian nằm viện”.
Bác sĩ dẫn trường hợp “bệnh nhân 91” phi công Anh là ví dụ điển hình trong kết hợp nhiều biện pháp từ nội khoa, hồi sức tích cực, nhiều chuyên khoa cùng phối hợp. Trong đó dinh dưỡng đã đồng hành trong quá trình hồi phục của bệnh nhân này.
Theo bác sĩ Huy, đặc thù của bệnh nhân Covid-19 liên quan đến phổi nên chế độ dinh dưỡng khác với các bệnh khác. Mỗi bệnh nhân được tính toán chi tiết mức kcal/kg cân nặng để tính năng lượng cần thiết, từ đó cung cấp thực phẩm sao cho hợp lý. Các thực phẩm giàu đạm, các loại khoáng chất, vitamin được chú trọng hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân nặng phải thở máy và lọc máu thì ăn uống thông qua sonde – ống thông dạ dày. Do đó, bác sĩ dinh dưỡng chế biến súp theo chế độ riêng với từng ca bệnh. Việc sàng lọc bệnh nhân chủ yếu do bác sĩ điều trị theo dõi, đánh giá. Bác sĩ dinh dưỡng sẽ căn cứ những đánh giá đó, cộng với việc theo dõi trực tiếp qua hệ thống camera, cũng như trao đổi qua bộ đàm để kết luận, từ đó xác định tình trạng dinh dưỡng và đưa ra nhu cầu năng lượng cho người bệnh.
Các bác sĩ dinh dưỡng không trực tiếp giúp bệnh nhân ăn mà do các điều dưỡng vòng trong phụ trách. Khó khăn lớn nhất của bộ phận dinh dưỡng là nhân lực do khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang hầu như không có. Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế gần như hướng dẫn tất cả những kiến thức, quy trình nấu súp, nấu cháo, vận chuyển thức ăn… để trong thời gian tới họ có thể chủ động, sẵn sàng khi đội chi viện rút về.
Tính đến tối 7/6, Trung tâm hồi sức tích cực ở Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang 101 giường đã tiếp nhận 18 bệnh nhân, trong đó có hai bệnh nhân đặc biệt đang thở máy, ăn qua sonde. Còn 16 ca bệnh còn lại đang được ăn cháo đủ dinh dưỡng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Đông Anh, cho biết, đa số bệnh nhân Covid-19 trong tuần đầu nhiễm bệnh sẽ có diễn biến nhẹ. Sang tuần thứ hai, một số bệnh nhân chuyển nặng. Nếu phát hiện và xử lý sớm những dấu hiệu trên thì tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 trở nặng và nguy kịch sẽ giảm, dẫn đến tỷ lệ tử vong giảm.
Bác sĩ nhận định so với các làn sóng dịch trước, đợt dịch này có nhiều điểm khác biệt. Thứ nhất, số lượng bệnh nhân lớn tạo ra sức ép lớn với hệ thống điều trị. Thứ hai, chủng virus lần này là chủng Ấn Độ, mức độ lây lan nhanh khiến diễn biến lâm sàng các bệnh nhân Covid-19 nhanh hơn. Tỷ lệ bệnh nhân phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn. Từ đó, các biện pháp kỹ thuật để can thiệp cũng nhiều hơn, như lọc máu, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo)…, gây gánh nặng lớn hệ thống cấp cứu.
Cả nước đang điều hơn 6.000 bệnh nhân Covid-19 tại 107 cơ sở y tế trên toàn quốc. Bắc Giang chiếm nhiều nhất với trên 3.600 bệnh nhân. Bác sĩ Cấp nhận định số lượng bệnh nhân nặng đợt này lớn. Tại Bắc Ninh, việc nâng cao năng lực điều trị của các bệnh viện dã chiến được chú trọng. Nếu điều trị tốt thì tỷ lệ diễn biến trở nên nặng và nguy kịch thấp đi, giảm gánh nặng lên Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện tỉnh, cũng như giảm số bệnh nhân phải chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Hiện, Bắc Ninh đã xây dựng chiến lược đảm bảo có thể điều trị số lượng bệnh nhân điều trị lên tới 3.000.
Tại Bắc Giang, ông Cấp đánh giá với tình hình hiện tại chưa vượt quá khả năng đáp ứng điều trị. Hiện, Bắc Giang chuẩn bị 18 bệnh viện, khu tiếp nhận và cách ly y tế bệnh nhân Covid-19 với công suất dự kiến 6.710 giường, đủ dự phòng cho tình huống xấu nhất.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng, ở nước ngoài, khi số lượng bệnh nhân quá lớn cũng như virus lưu hành rộng rãi trong cộng đồng thì sẽ áp dụng điều trị bệnh nhân nhẹ tại nhà, khi nào nặng sẽ đến viện. Ở Việt Nam, may mắn dịch ngoài cộng đồng vẫn đang kiểm soát được, cộng với việc số lượng bệnh nhân chưa vượt quá khả năng điều trị nên người bệnh sẽ được chữa tại cơ sở y tế.
Hơn nữa, nếu áp dụng điều trị tại nhà như nước ngoài sẽ xảy ra hai vấn đề. Thứ nhất, nguy cơ bệnh nhân sẽ lây nhiễm sang người thân trong gia đình rất cao, đặc biệt mô hình gia đình của Việt Nam có 3-4 thế hệ, cả người già có bệnh nền và trẻ nhỏ, nếu lây nhiễm bệnh sẽ rất nguy hiểm. Thứ hai, khi bệnh nhân nhẹ điều trị tại nhà sẽ rất khó phát hiện ra những thay đổi bệnh lý từ sớm để kiểm soát nhanh, lúc nào rất nặng mới vào viện, khi đó hiệu quả điều trị thấp hơn.
Thúy Quỳnh – Thùy An
Nguồn: https://vnexpress.net/benh-nhan-covid-19-nang-duoc-cham-soc-dinh-duong-4291004.html