Hứa hẹn từ thuốc đặc trị Covid-19

Thuốc Molnupiravir do hãng dược Ridgeback Biotherapeutics và Merck hợp tác phát triển là phương pháp ngăn ngừa và điều trị Covid-19 tiềm năng. Molnupiravir dạng uống có tác dụng ngăn Covid-19 phát triển, được dùng trong giai đoạn đầu của bệnh. Liệu trình thử nghiệm hiện bao gồm hai liều mỗi ngày và sử dụng trong vòng 5 ngày. Đây là loại thuốc giống Tamiflu được sử dụng để chữa bệnh cúm.

Thử nghiệm Molnupiravir đã bước vào giai đoạn cuối sau khi các thử nghiệm trước cho kết quả khả quan. Merck cho biết hãng sẽ có dữ liệu đầy đủ vào tháng 9 hoặc tháng 10 và thuốc có thể sẵn sàng vào cuối năm nay.

Các bác sĩ cho biết hiện có một số loại thuốc điều trị Covid-19, nhưng việc phát triển thuốc mới, nhắm vào virus là một quá trình phức tạp và tốn kém. Hơn 18 tháng, từ khi đại dịch bùng phát, chỉ một loại thuốc kháng virus có tên Remdesivir được khuyến nghị sử dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thuốc này chưa đủ hiệu quả.

“Các nhà sản xuất vaccine đang phát triển vaccine thế hệ thứ hai để đi trước đại dịch một bước, nhưng dịch bệnh diễn biến rất khó lường. Vì vậy, bạn cần những biện pháp khác để đối phó với sự tiến hóa của virus”, Daria Hazuda, phó chủ tịch nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và vaccine tại Merck, cho hay.

Thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống đang được thử nghiệm. Ảnh: Reuters

Thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống đang được thử nghiệm. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học kỳ vọng các loại thuốc mới, với mục tiêu ngăn virus nhân lên, có thể làm giảm số ca nhập viện và tử vong do Covid-19. Thuốc sẽ là lựa chọn thay thế cho người chưa được tiêm phòng, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp – đang tụt hậu trong cuộc đua tiêm chủng.

Tuy nhiên, virus liên tục biến đổi, đặt ra thách thức cho các nhà nghiên cứu. Đột biến có thể thay đổi protein của virus, khiến chúng có khả năng kháng thuốc. Cuộc săn tìm loại thuốc hiệu quả chủ yếu nhắm đến “mục tiêu bất biến”, chẳng hạn như một protein hiếm khi thay đổi dù virus đột biến.

Kinh nghiệm của Hazuda với HIV và virus gây viêm gan C đã giúp nhóm của bà nhanh chóng loại trừ các phần có thể thay đổi ở nCoV khi nó đột biến, giúp họ tập trung vào các mục tiêu bất biến, từ đó giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc. Thông thường, thuốc kháng virus nhắm vào virus trong quá trình chúng sử dụng tài nguyên của tế bào để nhân bản, khiến tế bào tổn thương và sản sinh nhiều virus hơn.

Đầu tháng 3/2020, Hazuda thu hẹp phạm vi nghiên cứu, tập trung vào hợp chất nhắm vào protein có thể sao chép vật liệu di truyền của virus. Nhóm của bà xem xét báo cáo lâm sàng của một nhà khoa học từ Đại học Emory về Molnupiravir – một hợp chất ban đầu được phát triển để chống bệnh cúm và các loại virus khác.

Theo nghiên cứu, hợp chất này có thể cản trở quá trình nhân bản của virus bằng cách làm gián đoạn enzym RNA polymerase đóng vai trò như bộ máy sao chép bộ gene của virus. Các thử nghiệm khác cho thấy molnupiravir có hoạt tính chống lại bệnh cúm và nhiều loại virus corona khác, bao gồm MERS và cảm lạnh thông thường.

Vì Ridgeback Biotherapeutics có quyền sản xuất Molnupiravir, Merck đã hợp tác với công ty này để kiểm tra tính an toàn của hợp chất và chuẩn bị cho các nghiên cứu lâm sàng. Các nhà khoa học dự kiến Molnupiravir có thể được dùng dưới dạng viên uống cho những bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng, trước khi bệnh chuyển nặng đến mức phải nhập viện. Họ hy vọng thuốc có thể thể ngăn chặn virus trước khi chúng nhân lên một cách mất kiểm soát, khiến bệnh nhân ốm yếu hơn, thậm chí nguy cơ tử vong.

Nghiên cứu lâm sàng giai đoạn hai cho thấy molnupiravir không làm thay đổi đáng kể tình trạng của bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Song, bà Hazuda mong rằng thử nghiệm giai đoạn ba, dự kiến kết thúc vào cuối năm nay, sẽ chứng minh hiệu quả của thuốc cho người mắc Covid-19 thể nhẹ và trung bình.

Các kỹ thuật viện làm việc trong dây chuyền sản xuất thuốc remdesivir. Ảnh: Reuters

Các kỹ thuật viên làm việc trong dây chuyền sản xuất thuốc Remdesivir. Ảnh: Reuters

Adolfo Garcia-Sastre, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu và Các mầm bệnh mới nổi tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, New York, cũng dành mùa xuân năm 2020 để tìm một loại thuốc Covid-19. Virus tấn công các tế bào người và dùng các protein trong tế bào (gọi là yếu tố), cũng như các vật liệu khác để tổng hợp nên virus mới. Do đó, xác định các yếu tố này có thể là bước đầu giúp ngăn chặn hoạt động của virus.

Các cộng sự của Garcia-Sastre tại Viện Khoa học Sinh học Định lượng thuộc Đại học California xác định hơn 300 yếu tố có nhiều khả năng tác động đến sự nhân lên của virus. Sau đó, họ thử nghiệm khoảng 90 loại thuốc có ảnh hưởng đến những yếu tố này.

Trong đó có Plitidepsin, một loại thuốc tiêm được phát triển bởi công ty PharmaMar từ Tây Ban Nha. Thuốc có thể can thiệp chức năng của một yếu tố có tên eEF1A, được virus sử dụng để tổng hợp nên các thành phần của nó.

Nghiên cứu dự kiến hoàn thành vào tháng 8, sẽ so sánh hiệu quả của plitidepsin với remdesivir – một loại thuốc cũng có khả năng ngăn virus nhân lên và rút ngắn bốn ngày nằm viện. Garcia-Sastre hy vọng Plitidepsin có khả năng cứu nhiều sinh mạng.

Chi phí để phát triển thuốc mới có thể lên đến hơn một tỷ USD. Do đó, bằng cách tận dụng một loại thuốc và hợp chất sẵn có, Garcia-Sastre và Hazuda đã tiết kiệm nhiều thời gian và tiền của. Nếu Plitidepsin hoặc Molnupiravir không thành công, hai nhà khoa học đều khẳng định công sức của họ không uổng phí. Các loại thuốc này có thể dẫn dắt hoặc là điểm xuất phát cho những nghiên cứu khác.

Vì Molnupiravir cho thấy hoạt động chống lại các chủng virus corona gây cảm lạnh thông thường, nó có thể được nghiên cứu với các virus này hoặc loại virus khác hoàn toàn.

“Nếu thuốc không hiệu quả, chúng ta có thể học được từ đó và cải thiện”, theo ông Garcia-Sastre.

Mai Dung (Theo PBS, Forbes)

Nguồn: https://vnexpress.net/hua-hen-tu-thuoc-dac-tri-covid-19-4301647.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Facebook
Gọi em số 0934.166.552