Ước mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy, Xuân An lại trở thành sinh viên ngành dược tại TP HCM. Những năm trung học phổ thông, vảy nến xuất hiện dày đặt, bong ra rồi rơi xuống xung quanh rất nhiều.
“Da tay mỏng, nhạy cảm, dễ chảy máu nên em quyết định gác lại đam mê được tự tay vận hành máy móc”, An nói.
An theo ngành dược, một phần muốn hiểu sâu hơn về bệnh, về các thuốc điều trị. “Nếu lúc đó bệnh được chữa ổn như bây giờ, có khi em đã học kỹ thuật chế tạo máy”, chàng sinh viên năm tư chia sẻ.
Lúc còn bé, An xuất hiện những mảng ở lưỡi như nấm lưỡi. Dần dần các mảng đỏ phát dần khắp cơ thể, gia đình chạy chữa theo hướng bệnh chàm. Khi An học trung học cơ sở, tình trạng nặng dần, bác sĩ sĩ da liễu kết luận vảy nến.
Điều trị ở quê Vũng Tàu và một số bệnh viện TP HCM không khỏi, An cùng mẹ khăn gói ra miền Bắc. Hai mẹ con tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương, cơ sở điều trị bệnh phong ở Thái Bình, chạy chữa thầy lang ở Cao Bằng và rất nhiều thuốc tắm, thuốc lá ở các cơ sở đông y khắp cả nước.
“Xót con bị bệnh, phải mặc cảm tự ti nên tôi càng nóng vội, điều trị nơi này một thời gian không khỏi lại sốt ruột tìm đến nơi khác”, chị Đoàn Thị Hoa, mẹ bé An nói. Có những lần đắp thuốc của thầy lang xong, da An sưng phồng đau đớn.
Bố của An là chiến sĩ hải quân ở nhà giàn DK1, thường 6 đến 8 tháng, thậm chí một năm mới về nghỉ phép vài ngày, quá trình chữa trị chỉ có mẹ đồng hành. Nhiều năm đi khắp nơi mà bệnh không thuyên giảm, kinh tế gia đình dần kiệt quệ, An ngừng chữa bệnh, chấp nhận sống chung với những mảng bong tróc. An luôn mặc quần áo dài khi ra đường, thậm chí trong lớp học cũng đeo khẩu trang để che chắn.
Tháng 10/2019, đoàn bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP HCM tổ chức nói chuyện sức khỏe và trao học bổng cho con các chiến sĩ Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân và nhà giàn DK1 tại Vũng Tàu. Biết hoàn cảnh của An, các nhân viên bệnh viện quyên góp 144 triệu, hỗ trợ điều trị An, giúp bố An yên tâm bám biển.
Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết An được điều trị bằng thuốc sinh học. Đây là phương pháp điều trị mới nhất hiện nay, nhắm trúng đích hơn với độ an toàn và hiệu quả cao. Nhờ ức chế những thành phần đặc hiệu của hệ thống miễn dịch, thuốc sinh học không tác động hoặc giảm tác động lên các tế bào cơ thể, vì vậy hạn chế tác dụng phụ.
Theo bác sĩ Thảo, thuốc điều trị sinh học áp dụng gần đây, chỉ định cho bệnh nhân vảy nến thể mạn mức độ trung bình đến nặng, hoặc bệnh nhân có thể viêm khớp vảy nến, từ 18 tuổi trở lên. Liệu pháp này giúp cải thiện tổn thương tốt hơn nhưng chi phí cao.
“Thuốc sinh học là tiên tiến nhất hiện nay nhưng các phương pháp cũ như thuốc uống, thuốc thoa, quang trị liệu… vẫn có vai trò nhất định, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định tùy từng bệnh nhân”, bác sĩ Thảo nói.
Sau bốn mũi tiêm trong bốn tuần, các mảng đỏ da, các mảng vảy dày biến mất. Thương tổn trên da không còn, chỉ để lại những vết tăng sắc tố sau viêm, nhìn như những vết thâm nhỏ, không đáng kể.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu, cho biết một năm qua, An được duy trì tiêm thuốc sinh học một tháng một lần để kiểm soát các tổn thương viêm hệ thống, ngăn ngừa các biến chứng khác của vảy nến.
Chi phí một lần điều trị khoảng 16 triệu đồng, bảo hiểm chi trả 6,4 triệu.
“Vảy nến là bệnh mạn tính, đòi hỏi điều trị lâu dài nên bệnh viện đang vận động thêm các nhà hảo tâm để giúp An chữa trị”, bác sĩ Thúy nói.
Từng nhiều lần hụt hẫng vì càng chạy chữa thì bệnh càng nặng, nay An tự tin hơn, mong có thể kiểm soát được bệnh để có được cuộc sống bình thường như bao người khác.
Vảy nến là bệnh viêm da lành tính, không lây, hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu điều trị sớm, đúng cách, bệnh nhân vẫn có cuộc sống sinh hoạt gần như người bình thường. Người bệnh cần tìm đến các bệnh viện, cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu và chữa bệnh ngay từ giai đoạn đầu mới khởi phát, giúp kiểm soát và duy trì ổn định, tránh các nguy cơ bị biến dạng các khớp và tàn phế.
Nguồn: https://vnexpress.net/lieu-thuoc-sinh-hoc-giup-chang-trai-kiem-soat-vay-nen-4208557.html