Trẻ mắc hô hấp tăng vọt do virus hợp bào

Số trẻ mắc bệnh đường hô hấp nhập viện tại các bệnh viện nhi đồng ở TP.HCM đang tăng vọt, với nhiều ca bệnh nặng. Các bác sĩ hô hấp nhận định có đến 60-70% nguyên nhân là do virus hợp bào hô hấp (viết tắt là RSV).

TS Trần Anh Tuấn – trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – cho biết tốc độ lây lan của virus hợp bào hô hấp chỉ đứng sau cúm và sởi. Sự có mặt của chúng được ghi nhận 60 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh và không được quan tâm nhiều.

Gây viêm tiểu phế quản, nhiễm trùng bệnh viện

Những ngày qua, từ hành lang đến phòng bệnh của khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chật kín trẻ nhỏ và phụ huynh. Các giường bệnh đều được sử dụng tối đa, có giường 2-3 trẻ chia ra nằm.

Ngủ thiếp trong tay mẹ, bé L.V.A.H. (nam, 3 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) vẫn thở khò khè sau gần một tuần nhập viện. Chị Nguyễn Thị Thúy – mẹ bé H. – cho biết trước 3 ngày nhập viện, bé H. có biểu hiện sốt, ho… 

Gia đình đưa bé H. đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám và được bác sĩ cho về nhà điều trị. Tuy nhiên một ngày sau, bé H. chuyển biến nặng, trở lại bệnh viện nhập viện vì viêm tiểu phế quản bội nhiễm, phải thở oxy.

Tương tự, đứa con trai hơn 3 tháng tuổi của chị Trần Giang Thanh (ngụ tỉnh Long An) phải thở oxy vì viêm phổi nặng ngay thời điểm nhập viện.

Bác sĩ Tuấn cho biết số trẻ nhập viện điều trị vì mắc bệnh đường hô hấp tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. 

Tại các phòng cấp cứu, nhiều trẻ mắc bệnh bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng phải cần hỗ trợ thở oxy, thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi).

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, TS Trịnh Hồng Nhiên – trưởng khoa hô hấp – cho hay mỗi ngày khoa có khoảng 150-170 trẻ điều trị nội trú, trong đó có đến 20 ca bệnh nặng phải thở máy và NCPAP, tăng gấp đôi so với những tháng trước.

Các bác sĩ nhận định virus hợp bào hô hấp là tác nhân hàng đầu gây bệnh tiểu phế quản ở trẻ em, chiếm khoảng 60-70% các bệnh lý về đường hô hấp, trong đó thường gặp nhất ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Bên cạnh đó, chúng còn là “thủ phạm” hàng đầu gây nhiễm trùng môi trường bệnh viện.

Tốc độ lây lan nhanh

Bác sĩ Tuấn cho biết virus hợp bào hô hấp được phát hiện khoảng 60 năm trước, với tốc độ lây lan trong cộng đồng rất nhanh, chỉ đứng sau cúm và sởi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh, chỉ điều trị triệu chứng. 

“Đây có lẽ là lý do khiến việc tầm soát virus hợp bào hô hấp vẫn chưa được xem là vấn đề ưu tiên hàng đầu” – bác sĩ Tuấn nói.

Mặc dù phần lớn trẻ được điều trị khỏi bệnh bằng điều trị triệu chứng nhưng dưới góc độ cộng đồng, bác sĩ Tuấn đánh giá loại virus này là gánh nặng gây bệnh hô hấp ở trẻ em trên toàn thế giới. Ước tính gần 90% trẻ em dưới 2 tuổi ít nhất 1 lần nhiễm virus hợp bào hô hấp trong suốt cuộc đời.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp với Úc thực hiện đề tài nghiên cứu về gánh nặng của virus hợp bào hô hấp ở những bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh đường hô hấp. Khi chọn ngẫu nhiên 6 trẻ tiến hành xét nghiệm bằng test nhanh thì có 4 trẻ dương tính với virus này (chiếm 66,7%).

Các bác sĩ cho biết tất cả mọi người đều có thể nhiễm virus hợp bào hô hấp nhưng biểu hiện nhiễm thay đổi tùy theo lứa tuổi. Đối với trẻ lớn và người lớn thường chỉ có ho, cảm và kéo dài vài ngày sẽ tự khỏi.

Riêng trẻ dưới 2 tuổi nhiễm virus hợp bào hô hấp thì có đến 90% trẻ bị viêm tiểu phế quản. Theo đó, trong 1-2 ngày đầu, trẻ có biểu hiện ho, cảm, sốt, sổ mũi…; bắt đầu ngày thứ 3 trở đi, biểu hiện này càng rõ ràng, diễn tiến nhanh như khó thở, thở co rút lồng ngực (dấu hiệu nặng, cần phải nhập viện).

Tuy nhiên, với nhiều trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non, thiếu cân, mắc bệnh tim bẩm sinh, khiếm khuyết miễn dịch hay mắc các bệnh lý thần kinh cơ… thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, dễ chuyển tới các biến chứng nguy hiểm như rối loạn điện nước, viêm phổi, viêm phổi bội nhiễm, suy hô hấp, tràn khí màng phổi, thậm chí tử vong… – bác sĩ Nhiên cho hay.

XUÂN MAI

Nguồn: https://tuoitre.vn/tre-mac-ho-hap-tang-vot-do-virus-hop-bao-20201105082551031.htm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat với chúng tôi qua Facebook
Gọi em số 0934.166.552